Video timelapse của một nhiếp ảnh gia người Mỹ ghi lại 2 vết lóa cực mạnh xuất hiện trên bề mặt Mặt trời.
Nhiếp ảnh gia thiên văn học Andrew McCarthy đến từ Arizona, Mỹ, tạo ra video ghi hình hai vết lóa từ một triệu bức ảnh chụp Mặt trời bằng kính viễn vọng đặc biệt. Theo McCarthy, vết lóa lớn hơn phun vật chất ra xa 241.400km, khoảng cách đủ để xếp chồng 19 Trái đất lên nhau.
Hai vệt lóa Mặt trời nhìn từ Trái đất.
Lóa Mặt trời là những vụ phun trào từ trường khổng lồ xảy ra ở một khu vực trong khí quyển Mặt trời và bắn ra bức xạ điện từ như tia X, ánh sáng khả kiến và tia cực tím. Những vệt lóa mạnh có thể phun hạt năng lượng cao về phía Trái đất, đe dọa phá hủy vệ tinh và tạo ra cực quang rực rỡ do bị từ trường của Trái đất dẫn về phía các cực.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, hai vết lóa kéo dài 5 - 10 phút hướng ra xa Trái đất nên không ảnh hưởng tới hành tinh của chúng ta. Dù video timelapse ghép từ loạt ảnh chụp hôm 30/4/2022 chỉ kéo dài khoảng 30 giây, thực chất thước phim phản ánh hoạt động của Mặt trời trong 7 giờ. Kính viễn vọng mà McCarthy sử dụng được chỉnh sửa với bộ lọc đặc biệt giúp quan sát Mặt trời an toàn và xem xét chi tiết khí quyển của ngôi sao.
Hoạt động của Mặt trời diễn ra theo chu kỳ 11 năm, được đánh dấu bằng các thời kỳ hoạt động mạnh và yếu gọi là giai đoạn cực đại và cực tiểu. Trong giai đoạn cực đại, số lượng vệt đen tăng lên và tác động của thời tiết vũ trụ tới môi trường quanh Trái đất thường lớn hơn. Vệt đen là những vùng tối nhô lên tạm thời trên bề mặt Mặt trời với từ trường đặc biệt mạnh. Chúng thường gắn liền với vết lóa Mặt trời và nhiều dạng phun trào khác như cơn phun trào cực quang. Hiện nay, Mặt trời bắt đầu hoạt động mạnh hơn khi chuẩn bị kết thúc giai đoạn cực tiểu và tiến vào giai đoạn cực đại.
(Video: Andrew McCarthy)