Sau khi cho ra đời giống lúa lai mang thương hiệu Việt Nam đầu tiên là Việt lai 20 đoạt giải thưởng khoa học công nghệ năm 2005, các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu lúa (Trường Đại học Nông nghiệp I) vừa lai tạo thành công giống lúa lai mới có tên gọi "Việt lai 24". Đây là giống cho năng suất cao, trồng được trên những vùng đất kém dinh dưỡng và có khả năng kháng được bệnh bạc lá.
(Ảnh: VTV) |
Để tạo giống lúa lai, việc thí nghiệm được tiến hành trên các tập đoàn quỹ gien, lai các giống với nhau; Nhân nuôi vi khuẩn bệnh bạc lá để thí nghiệm và đánh giá phân tử; Sau đó, thí nghiệm lượng phân bón cho từng loại để phát huy hết tiềm năng của tổ hợp; Làm thí nghiệm mật độ, khoảng cách, số cây mạ, khóm mạ... để tạo nên quần thể lúa đạt năng suất cao nhất và giảm được tối thiểu các dịch hại trên đồng ruộng.
Kết quả kiểm tra đồng ruộng cho thấy giống "Việt lai 24" có thời gian sinh trưởng 120 ngày, cây thấp, cứng. Giống lúa này còn được bổ sung gien Xa21 từ một giống lúa dại, có tác dụng kháng bệnh bạc lá và khả năng chịu hạn tốt, có thể trồng được trên các vùng đất xấu, bạc màu. Đặc biệt, chất lượng gạo của "Việt lai 24" được đánh giá là tốt, không bạc bụng.
So với tất cả các giống lúa lai hiện có ở Việt Nam, giống "Việt lai 24" có thời gian sinh trưởng ngắn ngày nhất, ít hơn các giống lai nhập khẩu khoảng 15-20 ngày, rất phù hợp để gieo cấy trà xuân muộn và mùa sớm để nông dân triển khai vụ đông đúng tiến độ... Sản phẩm đã được cấp bằng độc quyền sáng chế của Cục sở hữu trí tuệ.
Giống lúa "Việt lai 24" tuy còn có hạn chế là chưa kháng được với tất cả các chủng vi khuẩn gây bạc lá trên nhiều vùng đất khác nhau, nhưng sau 3 năm thử nghiệm trên hầu hết các vùng sinh thái đã cho năng suất bình quân đạt 8 - 10 tấn/ha. Đặc biệt thích hợp với chân ruộng cao nhờ khả năng chống hạn tốt, sống được trên vùng đất kém dinh dưỡng. Với kết quả trên, hy vọng giống lúa lai này sẽ góp phần bổ sung cơ cấu giống lúa ngắn ngày, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng và giúp ngành nông nghiệp nước ta từng bước chủ động sản xuất giống lúa lai, hạn chế phụ thuộc vào nguồn giống nước ngoài.