Trong khi thế giới đang lên cơn sốt về cơn dịch cúm lợn H1N1, các nhà khoa học Việt Nam cho biết, Việt Nam chưa hề có nghiên cứu gì về loại virus có độc lực cao này.
Cách chống duy nhất là chặn mọi hướng lây bệnh
Bản thân virus cúm H1N1 trên lợn không gây thành bệnh dịch cho người được, chỉ khi loại virus này kết hợp với các virus cúm A khác của Mỹ, châu Á, châu Âu (ví dụ H5N1 trên gia cầm) sẽ trở thành loại virus cúm lợn (mới) có độc lực cao, gây chết người.
Điều đáng nói là, nghiên cứu về loại virus tái tổ hợp virus cúm A ở động vật có vú và gia cầm chưa hề có ở Việt Nam. Văcxin ngừa cúm lợn cũng chưa hề có trên thế giới.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hải, ĐH Nông lâm TP HCM cho biết, 40% lợn ở Việt Nam có virus cúm. Tuy nhiên, các loại virus này không giống virus cúm lợn H1N1. |
Trước nhiều ý kiến lo ngại, nếu dịch cúm heo xảy ra ở Việt Nam thì người mắc bệnh có cách gì chống đỡ? Giáo sư Nguyễn Văn Thanh, trưởng khoa Dược, trường Cao đẳng Nguyễn Tất Thành, TP HCM cho rằng sẽ chỉ có cách dùng thuốc kháng cúm Tamiflu hoặc interferon và truyền nước biến để đào thải virus. Cách làm này lệ thuộc nhiều vào tình trạng của bệnh nhân và không phải là biện pháp hữu hiệu.
Vì thế, việc nghiên cứu cho ra những văcxin ngừa virus cúm là rất cần thiết. Trong khi chưa có văc xin, cách duy nhất chỉ là chặn mọi hướng có khả năng lây bệnh. Tuy nhiên, không hoàn toàn chắc chắn vì loại cúm này có khả năng lây từ người sang người.
Có nghiên cứu cũng khó áp dụng
Trong khi đó, tiến sĩ, bác sĩ Cao Minh Nga, ĐH Y Dược TP HCM, cho biết: "Trong khi các loại virus thay đổi rất nhanh thì sự tương thích giữa văcxin với dòng virus đang lan truyền là yếu tố quan trọng trong việc tạo khả năng miễn dịch thích hợp để ngừa cho người. Vì thế, các nước phát triển, như Mỹ hàng năm vẫn có những nghiên cứu thường xuyên về virus cúm thông thường. Họ canh thời gian dễ lây lan bệnh cúm là từ tháng 11 đến tháng 4, thì sẽ nghiên cứu bào chế văcxin ngay từ giữa năm để tháng 9, tháng 10 đã có cho người uống.
Trường hợp cúm lợn H1N1 mà thế giới đang báo động hiện nay sẽ khiến các nhà khoa học đầu ngành trên toàn thế giới cùng quan tâm, nghiên cứu. Khoảng sau một hoặc hai tuần, họ sẽ giải trình tự gene để có chủng không độc tính (hiểu nôm na là những con virus không độc, có thể tạo thành văcxin và tiêm vào người để ngừa dịch cúm lợn).
Cả hai cách nghiên cứu đón đầu theo mùa và nghiên cứu khi có đại dịch như nói trên, giới nghiên cứu nước ta vẫn chưa tiếp cận tốt. Việt Nam vẫn có những nghiên cứu văc xin cúm nhưng hầu hết những nghiên cứu này chỉ dừng ở mức tiếp cận: “Các nhà khoa học ở ta có kỹ thuật nghiên cứu hiện đại, nhưng chưa thể ứng dụng vào thực tế được!”, bà Nga nói.
Cũng nói về văcxin cúm, giáo sư Nguyễn Văn Thanh khuyến cáo, nghiên cứu quy trình tạo virus cúm cần đặc biệt lưu ý vấn đề an toàn sinh học. Văcxin thực sự là vũ khí sinh học có tính chất hiểm nguy như con dao hai lưỡi. Nghiên cứu thành công sẽ giảm độc lực nhưng không ít trường không giảm. Thí nghiệm trên chuột thành công nhưng trên gà vịt lại bị chết và chưa chắc đã an toàn cho con người.