Với dân số 80 triệu, số người mắc bệnh tự kỷ ở Việt Nam hiện nay có thể lên đến 160 nghìn người (tính tỷ lệ 1/7.000 dân số theo tài liệu nước ngoài). Trẻ tự kỷ ở Việt Nam thường được phát hiện muộn khi việc can thiệp đã kém hiệu quả.
Theo bác sĩ Đỗ Thúy Lan, Hội Y tế công cộng, phần lớn trẻ tự kỷ là nam. Thực tế khám và điều trị tại Trung tâm Sao Mai (đóng tại Hà Nội, thuộc Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam) cho thấy, cứ 5 trẻ tự kỷ đến khám thì 4 là các bé trai. Chỉ 1/3 số trẻ tự kỷ đến khám trước 3 tuổi. Trong khi đó,
Bác sĩ Thúy Lan cho biết, lý do khiến bệnh được phát hiện muộn là bố mẹ không biết đưa con đi khám ở đâu, hoặc vì mặc cảm, không muốn mọi người biết con mình bất thường về phát triển. Nhiều phụ huynh đã sớm nhận biết những bất thường trong hành vi và ngôn ngữ ở trẻ, đã đưa đi khám nhưng không chấp nhận chẩn đoán của bác sĩ. Họ đưa trẻ đi khám nhiều nơi khác mong có chẩn đoán "tích cực" hơn, và khi buộc phải chấp nhận thực tế thì đã muộn.
Đối với bệnh tự kỷ, việc can thiệp sớm giúp hạn chế tối đa việc chuyển từ khuyết tật sang tàn tật. Mục đích can thiệp là giúp trẻ tự chăm sóc bản thân, phát triển khả năng nói, giao tiếp để hòa nhập tốt hơn. Việc này cần sự phối hợp giữa y tế (chuyên khoa nhi, tâm thần) và giáo dục, và sự tận tâm của bố mẹ (họ cần được hướng dẫn kỹ năng dạy trẻ).
Ở Việt Nam, việc phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ rất khó khăn vì ngành giáo dục chưa xây dựng mô hình hay chỉ đạo chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt cho trẻ tự kỷ. Các trung tâm ít ỏi cho những em này thường thuộc hội cứu trợ trẻ em tàn tật (như Sao Mai, Hy Vọng Phúc Tuệ ở Hà Nội), hội phụ nữ (trường Phong Lan ở Đà Lạt), trung tâm sức khỏe tâm thần (trường Tương Lai, quận 1 TP HCM) hay nhà thờ (trường Thánh Mẫu, TP HCM)...
H.H