Việt Nam: Cũng cần cảnh giác với sóng thần

Theo một nghiên cứu thì một đứt gãy dưới Biển Đông phía tây Philippines có thể gây ra động đất cấp 9,0 và sóng thần. Chỉ trong vòng 2-3 tiếng đồng hồ, sóng thần này có thể ập đến Việt Nam.

Từng xảy ra sóng thần ở Việt Nam

Nghiên cứu mới nhất và độc lập của nhóm các nhà khoa học ở Viện Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên & Môi trường) và của Viện Vật lý Địa cầu (Viện Khoa học & Công nghệ) đều chung nhận định Việt Nam nằm ở vị trí ít có nguy cơ xảy ra sóng thần song không vì thế mà chủ quan.

Tuy không có bằng chứng cụ thể, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khí tượng thủy văn và địa vật lý đều cho rằng sóng thần từng đến lãnh thổ nước ta.

Nạn nhân sống gần bờ biển Pangandaran bị thương trong trận sóng thần hôm 17/07 (Ảnh: Reuters)
Theo TS Vũ Thanh Ca ở Viện Khí tượng Thủy văn (IMH), sóng thần từng xảy ra ven biển Thừa Thiên-Huế, ngày 11/9/1904, 22.027 nhà bị phá hủy, 519 thuyền đắm, 724 người chết.

“Có tài liệu cho rằng sóng thần tấn công bờ biển Nam Định vào năm 1930, Đà Nẵng vào năm 1964”- PGS.TS Trần Thục, Viện trưởng IMH nói - Tuy nhiên, chưa có bằng chứng rõ ràng để khẳng định hay phủ nhận những thông tin trên”.

Điều đáng chú ý là, hơn 300 năm qua, Philippines, quốc gia láng giềng trên Biển Đông, ghi chép được khá cụ thể các vụ sóng thần. Theo đó, từ năm 1677 tới nay, tại bờ biển Philippines, có tới 16 trận sóng thần.

“Rất có khả năng một trong số các trận sóng thần đó đã gây thiệt hại tại nước ta mà không ghi lại được” - TS Nguyễn Thanh Ca nói.

Sau trận sóng thần lịch sử ngày 26/12/2004 ở Indonesia làm khoảng 300.000 người chết, lần đầu tiên, Viện Vật lý Địa cầu (IoG) cử đoàn cán bộ điều tra sóng thần do GS.TS. Nguyễn Đình Xuyên tiến hành tại vùng bờ biển từ Diễn Châu (Nghệ An) đến Đèo Ngang (Hà Tĩnh).

Điều tra cho biết có nhiều vụ sóng thần xảy ra ở khu vực khảo sát, làm nhiều người chết và mất tích. Tuy nhiên nguyên nhân chưa được làm rõ. Vì vậy, “cần phải tiến hành các chuyến khảo sát dọc bờ biển Việt Nam” - PGS.TS Nguyễn Ngọc Thủy, Viện trưởng IoG nói.

Đặc biệt, người đứng đầu IoG lần đầu tiên cho rằng nguy cơ sóng thần ở Việt Nam là có thật. “Các nhà địa chấn phải nghĩ về động đất ở khu vực đới hút chìm phía tây bắc Philippines cũng có thể đạt độ lớn 8,9 tới 9,0 độ ríchter và như vậy vùng bờ biển và hải đảo Việt Nam cũng có thể có nguy cơ sóng thần”, PGS.TS Thủy nhấn mạnh.

Theo quan điểm của một số nhà khoa học Nhật Bản và New Zealand mà 2 nhà khoa học ở IMH có dịp trao đổi, động đất tại dải đứt gẫy chìm trong khu vực Biển Đông phía tây Philippines đúng là có thể đạt từ 8,4 đến 9,0 độ richter.

Kịch bản sóng thần ở Việt Nam

Dựa trên những nhận định đó, 2 nhà khoa học ở IMH sử dụng mô hình trị số hiện đại để tính toán sự lan truyền của sóng thần trên Biển Đông với mục đích phục vụ công tác dự báo và xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ sóng thần cho các vùng biển Việt Nam.

Nghiên cứu mang tên “Mô hình số trị tính lan truyền sóng thần trên toàn Biển Đông” của họ gây sự chú ý rất lớn trong giới khoa học. Đây là lần đầu tiên một kịch bản sóng thần ở Việt Nam được dựng lên khá cụ thể với các cứ liệu đáng chú ý.

Giả thiết dải đứt gãy phía tây Philippines hoạt động với trận động đất cấp 9, khả năng xảy ra sóng thần gần như là hiện thực. Tại nơi xảy ra động đất, sóng thần có bước sóng 100 km. Vì thế, ngoài biển rất khó nhận biết có sóng thần hay không. Khi vào đến gần bờ sóng thần có bước sóng chỉ khoảng 30 m.

Bằng các mô hình tính toán hiện đại, 2 nhà khoa học xác định độ lớn của sóng thần ở các khoảng thời gian khác nhau và tình trạng mặt nước biển kể từ khi sóng thần hình thành tới khi nó vào bờ biển Việt Nam. Mô hình số trị mà họ xây dựng được nhiều nhà chuyên môn đánh giá mô phỏng rất tốt quá trình lan truyền của sóng thần.

Vùng biển Quảng Ngãi tới Phan Rang
(Ảnh: johnmtaylor)

Theo tính toán, sau khi động đất khoảng hơn 1 giờ, sóng thần đã lan truyền tới vùng quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của ta. Tùy thuộc vào địa hình đáy biển tại một số đảo, độ cao sóng thần ở các đảo này có thể rất lớn, thậm chí cao hơn 5m.

Sau khoảng 2 giờ từ khi hình thành, sóng thần lan truyền tới vùng bờ biển nước ta và ảnh hưởng mạnh tới vùng biển từ Quảng Ngãi tới Phan Rang. Đà Nẵng cũng chịu ảnh hưởng của sóng thần nhưng yếu hơn.

Trên bản đồ phân bố độ cao của sóng thần tại các vị trí gần bờ biển, người ta thấy độ cao sóng thần thay đổi rất mạnh dọc theo bờ biển. Hầu như trên toàn dải bờ biển kể trên, độ cao sóng thần vượt quá 3m, gấp rưỡi độ cao sóng thần vừa xảy ra ở Indonesia hôm 17/7, làm hơn 300 người chết.

Tại một số vị trí, 2 nhà khoa học cảnh báo, độ cao sóng thần có thể vượt quá 5m. Họ đặc biệt lưu ý, với độ cao sóng tại bờ là 5m, độ cao sóng leo có thể vượt quá 10m. Với độ cao này, sóng thần có thể gây ra những thiệt hại rất lớn cho vùng ven biển, ngang với thiệt hại do sóng thần gây ra cuối năm 2004 ở Indonesia.

Cần xây dựng gấp bản tin cảnh báo sóng thần

Từ những tính toán trên, TS Vũ Thanh Ca cho rằng, để chủ động đối phó với sóng thần, việc tính toán để ra bản tin cảnh báo sóng thần cho các đảo thuộc hai quần đảo tiền tiêu Trường Sa và Hoàng Sa là rất cần thiết. Song song với đó là xây dựng hệ thống cảnh báo sóng thần cho vùng biển nước ta.

Đồng thời với việc xây dựng hệ thống cảnh báo sóng thần, cần tăng cường giáo dục để nâng cao nhận thức cộng đồng về nguy cơ sóng thần, các dấu hiệu về sóng thần và các biện pháp phòng tránh sóng thần tại các vùng có nguy cơ sóng thần cao.

Theo Tiền Phong
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video