Việt Nam... Vào năm 2008, bạn có thể gởi cuống rốn của con cái mình ở một ngân hàng tế bào gốc. Từ những cuống rốn này, có thể phân lập thành tế bào gốc để chữa trị nhiều loại bệnh khác nhau cho đứa trẻ.
“Chạy đua” lập ngân hàng tế bào gốc
“Tôi có may mắn khi tiếp xúc với những nhà khoa học đi tiên phong trong lĩnh vực này. Một trong những người đó là TS-BS Phan Toàn Thắng (Việt kiều ở Singapore, người đầu tiên phát hiện ra màng cuống rốn có thể phân lập được rất nhiều tế bào gốc). Chúng tôi đã đặt mối quan hệ, kí hợp đồng chuyển giao công nghệ với TS Phan Toàn Thắng về tế bào gốc dây cuống rốn".
Nghiên cứu tế bào gốc ở phòng thí nghiệm công nghệ sinh học phân tử - ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM (Ảnh: V. Giang) |
Khi ngân hàng tế bào gốc ra đời, cuống rốn của trẻ có thể được lưu giữ vào đây. Nếu chẳng may, gặp rủi ro bệnh tật, đưa trẻ sẽ có cơ hội chữa bệnh bằng chính tế bào gốc của nó được phân lập từ màng dây rốn. Ngoài ra, từ tế bào gốc đó còn có thể sử dụng chữa bệnh cho người thân của trẻ hoặc những người có cùng chỉ số sinh học của tế bào gốc đó.
Theo dược sĩ Kim Lan, dù đã nhảy vào cuộc nhưng bà vẫn thấy đam mê khi mạo hiểm đầu tư vào ngân hàng tế bào gốc.
Bà nói, "Hiệu quả kinh doanh, hay triển vọng kinh doanh không nói trước được và cũng không biết "thắng" hay "thua". Nhưng biết một điều chắc chắn, không thắng về kinh tế thì cũng thắng về mặt tinh thần vì góp phần cho thế giới biết tới Việt Nam cũng có những bước phát triển về lĩnh vực tế bào gốc".
Công ty Mekophar đã đầu tư 10 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị cho ngân hàng tế bào gốc để chuẩn bị đi vào hoạt động. Nơi đây sẽ nhận ký gởi màng lót dây cuống rốn của trẻ sơ sinh.
Chọn phương thức hợp tác với một nước phát triển về nghiên cứu, kinh doanh tế bào gốc cũng là hướng đi của Công ty Cổ phần Ngọc Tâm.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên giám đốc Bệnh viện phụ sản Từ Dũ và là người sáng lập Công ty Ngọc Tâm cho hay, Công ty Ngọc Tâm đã hợp tác xây dựng ngân hàng tế bào gốc từ cuống rốn với tổ chức Cryo Cord (Malaysia) vì đây là một đơn vị chuyên nghiệp và có nhiều kinh nghiệm cả về nghiên cứu tế bào gốc và cả về kinh doanh.
Hiện có 4 ngân hàng tế bào gốc đã được thành lập. Đó là ngân hàng tế bào gốc của các đơn vị Công ty cổ phần Mekophar, Công ty cổ phần Ngọc Tâm; Bệnh viện quân y 103; BV Truyền máu & Huyết học TP.HCM. |
Phí lưu trữ tế bào gốc cuống rốn ở các nước trên thế giới được rất nhiều người dân chấp nhận. Dù họ khá cao như ở Mỹ là 4.000 USD, các nước Châu Á khoảng 2.000 USD (cho thời gian lưu trữ từ 15 – 20 năm.
Ở Malaysia, khi gửi tế bào gốc cuống rốn vào ngân hàng, khách hàng phải đóng 1.000 USD, sau đó mỗi năm đóng 100 USD. Theo bác sĩ Ngọc Phượng, đây là chi phí thấp nhất, ngân hàng ở Việt Nam có thể sẽ theo giá này.
Dù cùng xây dựng phát triển ngân hàng tế bào gốc cuống rốn, nhưng khả năng của từng ngân hàng sẽ thể hiện qua việc kinh doanh lẫn nghiên cứu. Đây là điều đặc biệt của ngân hàng tế bào gốc – Bác sĩ Phượng nói.
Ngân hàng tế bào gốc: Đi trước cả luật...
Theo các nhà chuyên môn, có thể nghĩ việc xây dựng các ngân hàng tế bào gốc là một thứ “của để dành” có ý nghĩa trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Người dân nhiều nước trên thế giới đã có ý thức về việc “phòng bệnh” hơn chữa bệnh. Với sự phát triển của khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc, có nhiều bệnh nan y sẽ được chữa trị bằng liệu pháp tế bào gốc. Cũng có thể ứng dụng tế bào gốc trong phẫu thuật thẩm mỹ.
Nuôi chuột nghiên cứu tế bào gốc. Ảnh chụp tại Phòng thí nghiệm - ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM (Ảnh: V.Giang) |
Trong khi đó, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho biết, có phần ngần ngại khi thành lập ngân hàng tế bào gốc khi chưa có những quy định đầy đủ về mặt luật pháp.
Thế nhưng, như ở nhiều nước khác, các ngân hàng tế bào gốc ra đời đều phải tuân thủ những luật lệ riêng, nghiêm ngặt như không phục vụ với mục đích đi ngược lại tiến bộ loài người, không thao tác trên phôi người (phôi người cũng được xem là con người), BS. Ngọc Phượng nói.
Chính vì thế, theo BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, vấn đề y đức được lưu tâm trong lĩnh vực nghiên cứu cũng như kinh doanh tế bào gốc. Chúng ta chưa có luật chính thức vì trong nhiều trường hợp, phải có hành vi, có sự việc cụ thể mới có luật, luật ấy dựa trên những chuẩn mực hành vi, đạo đức xã hội. Cho nên, bản thân mỗi người, mỗi tập thể trong lĩnh vực này cần biết giới hạn của mình trong nghề nghiệp, giới hạn ấy dựa trên nền tảng đạo đức, theo nề nếp xã hội.
Còn Bác sĩ Tường cho rằng, “Việc giới hạn hay ra những qui định để điều chỉnh hành vi liên quan tới tế bào gốc … Hãy còn quá sớm để đặt ra vào lúc này”. Theo ông, ngân hàng tế bào gốc chỉ để lưu trữ tế bào gốc và hy vọng có thể sử dụng trong tương lai. Từ việc lưu trữ đến nghiên cứu phát triển và đưa vào ứng dụng là một con đường dài và khó khăn...
Ngân hàng tế bào gốc Ngân hàng tế bào động vật nhằm cung cấp các nguồn tế bào đồng nhất. NH các tế bào được chia làm 2 loại: Ngân hàng tế bào đầu dòng (master cell bank – MCB) và ngân hàng tế bào làm việc (working cell bank – WCB). MCB chỉ bảo quản, lưu trữ các tế bào đầu dòng, không dùng sản xuất hay buôn bán. Các tế bào này được sử dụng để sau đó tạo ngân hàng WCB, cung cấp cho khách hàng. Các tế bào phải được đông lạnh ở nhiệt độ -196oC (nitơ lỏng) mới bảo quản, dự trữ được, tốc độ làm lạnh khoảng từ -1oC đến -3oC trong 1 phút, và khi cần giải đông nhanh bằng cách cho vào ủ ấm 37oC trong 3 – 5 phút. Trên thế giới, ngân hàng tế bào gốc chính thức khai trương 2004 tại Anh. Đầu năm 2006, Singapore ra đời ngân hàng tế bào gốc tương tự. Nhiệm vụ của ngân hàng tế bào gốc là lưu giữ, mô tả đặc điểm và cung cấp có kiểm soát các dòng tế bào gốc về chất lượng, về sự ủng hộ của đạo lý sinh học và cuối cùng là cung cấp cho trị liệu. Về nguyên tắc, các ngân hàng tế bào gốc lưu giữ những dòng tế bào gốc ban đầu được lấy từ mô của phôi thai, bào thai bỏ và mô trưởng thành. Đơn xin lưu giữ các dòng tế bào gốc hoặc việc tiếp cận các dòng tế bào gốc đang được lưu giữ, bắt buộc phải được uỷ ban giám sát cấp cao xem xét và phê chuẩn. Ở VIệt Nam, để chuẩn bị cho các ngân hàng tế bào gốc đi vào hoạt động hiện công ty Mekophar có cử 1 người đi học tiến sĩ miễn dịch học, 2 người học kỹ sư vi sinh ở Singapore, một nước phát triển về công nghệ tế bào gốc. Còn Công ty Ngọc Tâm đã gửi 5 người qua Malaysia để đào tạo chuyên môn liên quan tới học thêm từ nghiên cứu, kinh doanh và kể cả công việc hành chính trong việc điều hành một ngân hàng tế bào gốc. (Theo ThS Phan Kim Ngọc - ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM) |
Vinh Giang