Việt Nam sẽ có thực phẩm biến đổi gen năng suất cao

Khoảng năm 2015, những sản phẩm từ ngô, đậu nành… biến đổi gen cho năng suất cao hơn sẽ được trồng đại trà và sau đó xuất hiện trong siêu thị, chợ, bữa ăn của từng gia đình Việt Nam.

Ông Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM cho biết, theo kế hoạch dự kiến của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, vào năm 2010, Việt Nam sẽ khảo nghiệm và trồng thử nghiệm nông sản biến đổi gen trên đồng ruộng. "Tới năm 2015, khoảng 3-4% cây trồng mới sẽ có nguồn gốc từ thực phẩm biến đổi gen được đưa vào sản xuất”, ông Xô nói.

Phát biểu trong hội thảo "Công nghệ sinh học - hướng phát triển cho tương lai" diễn ra sáng 21/9 tại TP HCM, ông Xô cho rằng với một nước mà nền nông nghiệp chiếm 35-40% GDP và 75% dân số làm nông nghiệp như Việt Nam, thì việc áp dụng công nghệ sinh học và thực phẩm biến đổi gen là một điều hết sức quan trọng.

Ngô biến đổi gen cho năng suất cao hơn. (Ảnh minh họa: Blogspot)

Thực tế, đưa thực phẩm biến đổi gen vào đời sống là một vấn đề không mới trên thế giới. “Thế giới đứng trước thử thách làm sao cung cấp đủ lương thực cho 973 triệu người đói hiện nay. Vào năm 2050, thế giới phải tăng gấp đôi sản lượng lương thực cho 9 tỷ người”, Giáo sư Paul S. Teng, Trường đại học kỹ thuật Nanyang, Singapore, khẳng định.

Theo ông Paul S. Teng, chính nhu cầu cấp thiết về lương thực buộc con người phải tính tới việc đưa sản phẩm biến đổi gen cho năng suất cao hơn vào sản xuất. Ông Hồ Cao Việt, Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam cho biết, nếu ứng dụng biến đổi gen với cây ngô thì Việt Nam có thể sẽ có thêm 9.100 tỷ đồng do năng suất tăng 10% và giảm toàn bộ chi phí sử dụng thuốc trừ sâu trên đồng ruộng.

Đến tháng 12/2008, đã có 61 nước phê chuẩn 677 sản phẩm biến đổi gen và cho xuất hiện trên thị trường, trong đó khoảng 40% sản phần biến đổi gen được phê chuẩn từ Châu Á. Trên 25 quốc gia trồng hơn 125 triệu ha thực phẩm biến đổi gen.

Hiệu quả là điều không bàn cãi, tuy nhiên, theo các nhà khoa học vấn đề khó khăn nằm ở khâu dán nhãn để người tiêu dùng nhận biết sản phẩm có biến đổi gen hay không. Dán nhãn là cung cấp cho người tiêu dùng thông tin và sự lựa chọn chứ không phải là chứng minh tính an toàn thực phẩm.

An toàn thực phẩm biến đổi gen đã được Chính phủ các nước kiểm nghiệm gắt gao trước khi đưa ra thị trường nên dán nhãn nhận biết chỉ mang yếu tố cung cấp thông tin cho người tiêu dùng thêm lựa chọn. Như Philippine, sau 3 năm thử nghiệm, tổng thống phê chuẩn trồng đại trà loại ngô biến đổi gen nhưng với đặc thù ngô được sản xuất nhỏ rất nhiều nên họ không thể quy định việc dán nhãn”, ông Paul S. Teng nói.

Hiện trong 61 quốc gia sử dụng sản phẩm biến đổi gen thì chỉ có 40 nước dán nhãn nhận biết lên sản phẩm, một số nước đang phát triển có luật dán nhãn nhưng có rất ít nước thực thi chúng một cách hiệu quả.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Trần Thị Mỹ Hiền, Phó giám đốc Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 nêu ví dụ: ở Việt Nam, từ năm 2005 đã có quy định hàng hóa có nguồn gốc biến đổi gen phải ghi rõ “sản phẩm có sử dụng công nghệ chuyển gen”.

Các chuyên gia khoa học nhận xét, dán nhãn là điều cần thiết nhưng cần chi phí khá cao và đòi hỏi một cơ sở hạ tầng xã hội tốt mới thực thi hiệu quả. Ghi nhãn bắt buộc có thể làm tăng chi phí sản xuất lên 11-12% và giá sản phẩm tăng 10%. Điều này sẽ giảm sản lượng bán do người tiêu dùng e ngại chi phí cao với sản phẩm biến đổi gen.

Dự thảo Nghị định của Chính phủ về an toàn sinh học đối với thực phẩm biến đổi gen ghi rõ, ngưỡng buộc phải dán nhãn nhận biết là 5% (tức trong một sản phẩm có 5% nguyên liệu biến đổi gen).

Theo Kiên Cường - Vnexpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video