Việt Nam lạc hậu với công nghệ biến đổi gen

  •  
  • 2.391

Dù là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới nhưng có 6,7% dân số Việt Nam vẫn thiếu lương thực. Một trong những nguyên nhân là Việt Nam chưa chú trọng ứng dụng công nghệ biến đổi gen cho thực phẩm.

Trong số 6,7% dân số Việt Nam thiếu lương thực, nông dân chiếm 8,7%, theo Dự thảo đề án an ninh lương thực cấp quốc gia. Khoảng 1 triệu người dân miền núi quanh năm ăn sắn, ngô thay cơm, khả năng tiếp cận lúa gạo hạn chế do thu nhập thấp và cơ sở hạ tầng kém phát triển.

Giáo sư Bùi Chí Bửu, thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, phân tích: Việt Nam dù là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới nhưng chỉ mới đáp ứng an ninh lương thực cấp quốc gia, mà chưa đủ cho nhu cầu cấp hộ gia đình.

Theo Giáo sư Bửu: "Trong mùa hè, có những ngày nhiệt độ lên 37-40oC, ngưỡng gây hại cho cây trồng trong giai đoạn thụ phấn, thụ tinh. Do đó, việc nghiên cứu cơ chế di truyền của cây lúa và phát triển những dòng lúa có khả năng chịu nhiệt độ cao vô cùng bức thiết cho sản xuất lúa gạo tại miền Nam".

Nhận định tại hội thảo công nghệ sinh học diễn ra ở TP HCM sáng nay, các chuyên gia cho rằng, trong khi các nước trên thế giới đã từ lâu đưa vào trồng và sử dụng đại trà thực phẩm biến đổi gen để giải quyết vấn đề lương thực, thì Việt Nam vẫn chưa bắt đầu.


Ứng dụng công nghệ biến đổi gen cho thực phẩm.

Để giải quyết tình trạng thiếu đói, việc phát triển và tìm ra các giống thực phẩm biến đổi gen thích nghi khí hậu và kháng sâu được cho là giải pháp hữu hiệu. "Để tăng năng suất đậu tương ở Việt Nam, sử dụng giống đậu tương biến đổi gen là giải pháp khả thi", bà Trần Thị Cúc Hòa, thuộc Viện lúa Đồng Bằng sông Cửu Long đồng tình.

Bà Hòa cho biết, sau một thời gian thử nghiệm nghiên cứu tạo giống đậu tương biến đổi gen, thì các dòng biến đổi gen biểu hiện tính kháng sâu cao hơn giống không biến đổi gen. "Điều này mở ra triển vọng cho giống đậu tương biến đổi gen đầu tiên tại Việt Nam được đưa vào sản xuất", bà Hòa kỳ vọng.

Nhiều chuyên gia trong hội thảo cho rằng giống và cây trồng sinh học không chỉ giúp nông dân tăng thu nhập, giảm nghèo mà còn giúp cải thiện sức khỏe cho người tiêu dùng. "Giống và cây công nghệ sinh học mang lại nhiều lợi ích quốc gia như giảm giá lương thực, duy trì an ninh lương thực và bảo vệ môi trường", Tổng lãnh sự Mỹ tại TP HCM Lê Ân chia sẻ.

Dự kiến của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tới năm 2015, Việt Nam sẽ có khoảng 3-4% cây trồng mới nguồn gốc từ thực phẩm biến đổi gen được đưa vào sản xuất.

Theo thống kê, năm 2009, 25 quốc gia đã trồng 134 triệu ha cây trồng biến đổi gen, chiếm 9% tổng diện tích cây trồng toàn thế giới. Ngoài ra, 32 quốc gia khác đã thông qua việc nhập khẩu cây trồng sử dụng công nghệ sinh học. Hơn 14 triệu nông dân khắp thế giới trồng cây công nghệ sinh học.

Theo VnExpress
  • 2.391