Việt Nam đã cho phép trồng 3 giống ngô biến đổi gien

  •   3,65
  • 9.058

Bộ NN-PTNT vừa công nhận 3 giống ngô biến đổi gen đầu tiên được phép đưa vào sản xuất đại trà ở Việt Nam, hứa hẹn sự gia tăng rất lớn về năng suất và chất lượng so với các giống ngô thông thường đang được canh tác.

>> Cây trồng biến đổi gen không làm hại đến các loài bọ có ích

>> Cây trồng biến đổi gene và tương lai ở Việt Nam

3 giống ngô biến đổi gen đầu tiên được trồng tại Việt Nam

Cụ thể, 3 giống ngô trên mang tên NK66 BT (mang sự kiện chuyển gen Bt11), NK66 GT (mang sự kiện chuyển gen GA21) và NK66 Bt/GT (mang sự kiện chuyển gen Bt11 và GA21).

Năng suất vượt trội

3 giống ngô trên là của Công ty Syngenta Việt Nam được tạo ra từ giống nền là giống ngô lai NK66.

Kết quả khảo nghiệm của Bộ NN-PTNT về 3 giống ngô trên cho thấy, giống NK66 BT và NK66 BT/GT có hiệu quả phòng trừ sâu đục thân cao. Đặc biệt, tất cả các bộ phận của cây đều thể hiện khả năng kháng sâu bệnh, đặc biệt là đối với sâu đục thân.

Đánh giá về kết quả thử nghiệm đói với giống ngô NK66 GA21, Bộ NN-PTNT cho hay, giống ngô biến đổi gen này thể hiện mức chống chịu rất cao với thuốc trừ cỏ. Việc sử dụng giống ngô này kết hợp với phun thuốc Glyphosate 1 có thể quản lý cỏ dại tốt trong suốt cả vụ sản xuất.

Một đặc điểm không thể thiếu nữa từ các giống cây biến đổi gen là năng suất vượt trội so với giống nền.

Kết quả khảo nghiệm với giống NK66 Bt cho thấy, năng suất trung bình là 9,24 tấn/ha, tăng tới 1,18 tấn/ha so với giống nền đương. Còn giống NK66 BT/GT cho năng suất trung bình 9,4 tấn/ha, trong khi năng suất giống nên chỉ đạt 7,76 tấn/ha.

Về khía cạnh thương mại hạt giống, ông Kumar Datta, Tổng giám đốc Công ty Syngenta Việt Nam cho hay, công ty sẽ bán giống để nông dân trồng vụ đầu tên vào khoảng tháng 4/2015 tới đây, tức là chỉ còn khoảng 10 ngày nữa.

Trong vụ đầu tiên, phạm vi tập trung bán giống và chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sẽ tập trung vào một số tỉnh là Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sơn La. Việc này nhằm kiểm soát tốt quá trình chuyển giao giống và công nghệ để người nông dân trồng 3 loại ngô biến đổi gen này đạt năng suất cao nhất, góp phần nâng cao thu nhập.

Tuy nhiên, hiện công ty Syngenta Việt Nam vẫn chưa công bố giá các giống ngô mặc dù vẫn khẳng định sẽ đảm bảo giá cả hợp lý để người nông dân trồng ngô có lợi nhất.

Việt Nam đã cho phép trồng 3 giống ngô biến đổi gien
Ngô biến đổi gen hứa hẹn gia tăng năng suất và chất lượng rất nhiều so với giống ngô bình thường. (Ảnh minh họa)

Triển vọng nâng cao thu nhập và giảm nhập khẩu

Mặc dù là nước nông nghiệp nhưng hàng năm, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một khối lượng rất lớn ngô từ nước ngoài, trong đó chủ yếu là nhập khẩu ngô biến đổi gen để làm thức ăn chăn nuôi.

Thống kê của Bộ NN-PTNT cho thấy, 11 tháng đầu năm 2014, Việt Nam phải bỏ ra hơn 3 tỉ USD để nhập khẩu thức ăn chăn nuôi. Trong đó, riêng nhập khẩu ngô chiếm khoảng 1 tỉ USD.

Điều này cho thấy sự cần thiết trong việc nâng cao năng suất, chất lượng các giống ngô hiện tại để đáp ứng nhu cầu của ngành chăn nuôi trong nước.

Cùng nhận định trên, ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, ở Việt Nam ngô là cây trồng quan trọng. Bộ NN-PTNT thống kê, năm 2014, diện tích trồng cây ngô chiếm 1,2 triệu ha và đang có chiều hướng tăng. Sản lượng ngô đạt 5,6 triệu tấn.

Tuy nhiên, khối lượng ngô cần nhập khẩu để làm thức ăn chăn nuôi vẫn vô cùng lớn. Nếu tính về khối lượng, năm 2014, Việt Nam đã phải nhập tới 4,3 triệu tấn.

Do đó, theo đánh giá của ông Phạm Đồng Quảng, việc đưa vào sản xuất đại trà các giống ngô biến đổi gen sẽ giúp tăng năng suất, giảm số lượng ngô phải nhập khẩu. 3 giống ngô biến đổi gen trên sẽ giúp nông dân có thêm lựa chọn để tăng năng suất cũng như chất lượng canh tác.

Tuy nhiên, trước nhiều ý kiến trái chiều về tác hại của các cây trồng biến đổi gen nói chung và ngô biến đổi gen nói riêng đối với sức khỏe con người cũng như hệ sinh thái, ông Phạm Đồng Quảng nêu ý kiến rằng, tại Việt Nam, ngô biến đổi gen chỉ để sản xuất thức ăn chăn nuôi nên chưa phải dán mác thực phẩm biến đổi gen.

Theo VietQ
  • 3,65
  • 9.058