Ngoài việc đưa một số giống cây trồng biến đổi gen vào sản xuất, Việt Nam sẽ tiến tới ứng dụng thành công nhân bản vô tính ở động vật... Mục tiêu đến năm 2020, công nghệ sinh học nông nghiệp đạt trình độ nhóm các nước hàng đầu ASEAN.
Đó là nội dung của Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020, vừa được Thủ tướng Chính phủ quyết định hôm 12/01.
Mục tiêu tổng quát của Chương trình là tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi, chủng vi sinh vật, các chế phẩm công nghệ sinh học nông nghiệp mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, phục vụ tốt nhu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Chương trình còn chú trọng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa, tăng nhanh tỷ lệ nông, lâm, thủy sản chế biến. Theo đó, đến năm 2020, công nghệ sinh học nông nghiệp sẽ đóng góp quan trọng vào sự gia tăng giá trị của ngành nông nghiệp.
Với số vốn 100 tỷ đồng mỗi năm từ ngân sách Nhà nước cho Chương trình, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hình thành và phát triển mạnh ngành công nghiệp sinh học nông nghiệp, tạo lập thị trường thuận lợi để thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào dự án sản xuất sản phẩm, hàng hóa chủ lực ở quy mô công nghiệp.
Chương trình cũng sẽ chú trọng vào việc sản xuất, kinh doanh và dịch vụ các sản phẩm do công nghệ sinh học nông nghiệp tạo ra ở một số lĩnh vực quan trọng như: công nghiệp sản xuất giống cây trồng; vi sinh; sản xuất giống vật nuôi; sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học; sản xuất vắc-xin điều trị bệnh cho cây trồng, vật nuôi, bảo quản sau thu hoạch.
Song song với các nội dung trên là hoàn thiện và đưa vào sử dụng hai phòng thí nghiệm trọng điểm về công nghệ tế bào động vật (thuộc Viện Chăn nuôi) và công nghệ tế bào thực vật (thuộc Viện Di truyền Nông nghiệp, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam).