Các chuyên gia y tế Canada đang cân nhắc việc sử dụng đậu nành biến đổi gen để sản xuất axít béo Omega-3.
Omega-3 là loại chất béo không bão hòa, có ở dầu đậu nành và một số thực phẩm nhưng với hàm lượng nhỏ, trong khi thủy sản - nhất là cá biển sống ở vùng nước sâu như các loài cá hồi, cá sardin, cá trích, cá ngừ có lượng axít béo Omega-3 cao gấp 2-4 lần so với dầu thực vật.
Chất này có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bệnh trầm cảm, các loại bệnh về nhiễm trùng, thấp khớp... Do công dụng của Omega-3, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên mọi người nên thường xuyên ăn cá hoặc bổ sung Omega-3 ít nhất hai lần/tuần.
Tuy nhiên, do trữ lượng cá trên toàn cầu đang sụt giảm, các nhà nghiên cứu lo ngại nguy cơ sẽ thiếu hụt nguồn cung cấp Omega-3 vào giữa thế kỷ này.
Ông David Jenkins, một chuyên gia dinh dưỡng thuộc Bệnh viện St. Michael ở Toronto, cho rằng có thể biến đổi gen đậu nành để chúng có thể cung cấp lượng Omega -3 tương tự như loài cá. Đây sẽ trở thành nguồn cung cấp Omega-3 lâu dài và ổn định trong khi vẫn bảo vệ được trữ lượng cá trên thế giới.
Nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học Mỹ cũng xác nhận dầu từ đậu nành biến đổi gen cung cấp hàm lượng Omega -3 khá cao.
Tuy nhiên, vấn đề này có thể gây tranh cãi vì nhiều nhà hoạt động môi trường phản đối sử dụng thực phẩm biến đổi gen. Ngoài ra còn rất nhiều người dị ứng với đậu nành./.