Ngày 6-6, người phát ngôn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Gregory Hartl cho biết WHO không tìm thấy bằng chứng cho thấy virus H5N1 trở nên dễ lây nhiễm hơn từ gia cầm sang người. Tuyên bố được đưa ra sau khi một quan chức y tế cấp cao tại Indonesia bày tỏ lo ngại về vấn đề này.
Trước đó, ông Bayu Krisnamurthi, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về kiểm soát cúm gia cầm của Indonesia cho biết có khả năng virus H5N1 đã trải qua một quá trình biến đổi, do đó có khả năng lây nhiễm từ gia cầm sang người dễ dàng hơn.
Theo một nhà vi trùng học tại ủy ban này, những nghi ngờ trên được đưa ra căn cứ vào những phát hiện ban đầu tại phòng thí nghiệm. Ông này khẳng định đã phát hiện ra những "thay đổi dần dần" trong mẫu virus H5N1 mà ông nhận được hàng tháng. Ông cho biết cấu trúc axit amin trong các mẫu xét nghiệm virus của gia cầm nhiễm bệnh ngày càng có nhiều dấu hiệu giống với những mẫu virus của người và điều này có thể làm cho virus H5N1 trở nên dễ dàng lây nhiễm hơn sang người.
Trước đó, các nhà khoa học đã xác nhận virus H5N1 ở gia cầm đã biến thể và trở nên dễ lây nhiễm hơn giữa gia cầm với gia cầm, song virus này hiện vẫn khó lây nhiễm từ gia cầm sang người do con người có cấu trúc tế bào tiếp nhận ở dạng khác với gia cầm. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn lo ngại nguy cơ virus H5N1 biến thể trở thành chủng virus dễ lây nhiễm từ người sang người và sẽ làm bùng nổ đại dịch.
Theo WHO, Indonesia có số bệnh nhân chết vì cúm gia cầm cao nhất thế giớ với 79 ca tử vong. Đến nay, con số người tử vong vì cúm gia cầm trên toàn thế giới đã lên tới 188 người.