Xà lách - "thần dược" tình dục của người Ai Cập

Không chỉ là nguyên liệu của món salad phổ biến, rau xà lách (hay rau diếp - lettuce) từng được người Ai Cập cổ xưa coi là thảo dược kích thích tình dục và sử dụng như một biểu tượng cho dương vật, theo một nhà Ai Cập học.

Theo chuyên gia Salima Ikram đến từ Đại học Mỹ ở Cairo, Ai Cập (AUC), hình ảnh rau xà lách đã xuất hiện trên tường của các lăng mộ có từ năm 2000 trước Công nguyên và được coi là thực phẩm ưa thích của Min - vị thần sinh sản của người Ai Cập.

Trong các bức vẽ hoặc chạm khắc cổ trên tường, thần Min thường được khắc họa với "cậu nhỏ" ở trạng thái cương cứng. Ông cũng được mô tả là có khả năng siêu phàm về "chuyện ấy" trong một văn tự cổ ở đền thờ Edfu. Giáo sư Ikram nói, người Ai Cập cổ xưa tin rằng, chính việc ăn rau xà lách đã giúp thần Min có thể "yêu" không ngừng nghỉ.


Rau xà lách được coi là món ăn ưa thích của thần sinh sản Min của người Ai Cập. (Ảnh: Corbis)

Bà Ikram - người chuyên nghiên cứu về thức ăn của ngưới Ai Cập cổ, cho biết thêm rằng, ở đất nước này vào năm 2000 trước Công nguyên, rau xà lách không được nhấm nháp như một món khai vị hay bữa ăn nhẹ, mà được dùng như một thảo dược kích thích tình dục.

Vai trò của thần Min đã thay đổi trong hơn 3.000 năm nhưng mối quan hệ gắn liền giữa ông và rau xà lách vẫn còn đó. Người ta cho rằng, việc khắc họa vị thần này cùng món rau xà lách ưa thích của ông xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1980 trước Công nguyên, trong đền thờ Pharaoh Senusret I, mặc dù bà Ikram nhận định việc này có thể xuất hiện sớm hơn.

Một bức chạm khắc nổi ở đền thờ an táng pharaoh Rameses III đã cho thấy lễ hội thu hoạch của thần Min. Trong đó, vị thần được vẽ ở trung tâm và phía sau là một đám rước gồm các thầy tu đang cầm những cây rau xà lách nhỏ.

Thần Min đôi khi cũng xuất hiện trên các bức vẽ cổ với một dải dây đỏ quấn quanh trán, biểu thị cho sinh lực dồi dào về "chuyện ấy" của ông.

Tạp chí Smithsonian dẫn lời giáo sư Ikram lý giải: "Một trong những nguyên nhân khiến người Ai Cập gắn cây rau xà lách với vị thần sinh sản là do loại cây này phát triển thẳng và cao - một biểu tượng hiển nhiên cho dương vật".


Hình chạm khắc mô phỏng đám rước thầy tu trong lễ hội thu hoạch rau xà lách cho thần Min. (Ảnh: Smithsonian)

Ngoài ra, rau xà lách được coi là linh thiêng với thần Min có thể vì thứ nhựa trắng đục ứa ra khi mới cắt như biểu tượng của sữa mẹ hay thậm chí là tinh dịch.

Một điều thú vị nữa là, người Ai Cập cổ thường không ăn lá rau xà lách mà trích lấy hạt từ các nụ hoa của cây, ép lấy tinh dầu tự nhiên để dùng nấu nướng, chế tạo thuốc và thậm chí phục vụ việc ướp xác.

Theo giáo sư Ikram, rau xà lách bắt đầu trở thành nguyên liệu cho các món salad nhờ người Hy Lạp và La Mã vào khoảng năm 85 sau Công nguyên, dưới thời trị vì của Hoàng đế La Mã Domitian. Một chuyên gia ẩm thực từng viết, món salad chứa rau xà lách có thể được dùng ở đầu bữa ăn để kích thích sự ngon miệng hoặc cuối bữa ăn để hỗ trợ tiêu hóa.

Người La Mã và Hy Lạp cổ cũng từng sử dụng rau xà lách để giúp ngủ ngon. Một số sử gia ghi lại rằng, hoàng đế Domitian dường như đã buộc các vị khách của ông ăn rau xà lách trước bữa ăn để khiến họ phải chật vật giữ sự tỉnh táo suốt thời gian còn lại của chuyến viếng thăm.

Theo Vietnamnet, Daily Mail
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video