Xác ướp mèo răng kiếm đông cứng 35.000 năm ở Siberia

Các nhà nghiên cứu phân tích xác ướp thu thập từ đất đóng băng vĩnh cửu ở Siberia năm 2020 và xác định đó là mèo răng kiếm 3 tuần tuổi chết ít nhất 35.000 năm trước.

Một nhóm nhà nghiên cứu khai quật xác ướp mèo răng kiếm mới sinh chết cách đây hàng chục nghìn năm từ lớp đất đóng băng ở Siberia. Con mèo non vẫn còn nguyên ria và móng vuốt. Phân tích mới phần đầu và nửa thân trên của con vật cho thấy nó chỉ 3 tuần tuổi khi chết ở khu vực ngày nay là Cộng hòa Sakha ở đông bắc nước Nga, hay còn gọi là Yakutia. Các nhà khoa học tìm thấy xương chậu, xương đùi và xương cẳng chân được bao bọc trong cùng một khối băng với xác ướp. Tình huống dẫn tới cái chết của nó chưa được xác định rõ.


Xác ướp của mèo răng kiếm non. (Ảnh: Scientific Reports).

Xác mèo răng kiếm nguyên vẹn cực kỳ hiếm gặp. Xác ướp trên thuộc về loài Homotherium latidens đã tuyệt chủng, theo nghiên cứu công bố hôm 14/11 trên tạp chí Scientific Reports. Mèo răng kiếm sống trên khắp thế giới vào thế Thượng Tân (2,6 - 5,3 triệu năm trước) và đầu thế Canh Tân (11.700 - 2,6 triệu năm trước), nhưng có bằng chứng cho thấy chúng phân bố kém rộng rãi hơn vào cuối thế Canh Tân (kỷ băng hà cuối cùng).

"Trong thời gian dài, sự hiện diện của H. latidens ở lục địa Á Âu được ghi nhận vào giữa thế Canh Tân (126.000 - 770.000 năm trước). Việc phát hiện xác ướp H. latidens ở Yakutia giúp mở rộng đáng kể hiểu biết về sự phân bố của chúng và xác nhận chúng tồn tại cuối thế Canh Tân ở châu Á", nhóm nghiên cứu đến từ Viện Cổ sinh vật học Borissiak cho biết.

Xác ướp nhỏ đông cứng cho thấy H. latidens thích nghi tốt với điều kiện ở kỷ băng hà. Các nhà nghiên cứu so sánh nó với xác một con sư tử hiện đại (Panthera leo) 3 tuần tuổi và nhận thấy mèo răng kiếm có bàn chân rộng hơn và không có đệm ở khớp cổ chân để giảm xóc như loài mèo lớn ngày nay. Những đặc điểm thích nghi này cho phép mèo răng kiếm đi lại dễ dàng trong tuyết, đồng thời lớp lông dày mềm mại bảo vệ chúng trước nhiệt độ vùng cực.

So sánh với sư tử hé lộ mèo răng kiếm có miệng lớn, tai nhỏ, chi trước dài, lông sẫm màu và phần cổ dày hơn nhiều. Các nhà khoa học đã biết loài mèo này có cơ thể thấp và chi dài từ những bộ xương của H. latidens trưởng thành, nhưng nghiên cứu mới cho thấy đặc điểm như vậy đã tồn tại khi chúng 3 tuần tuổi.

Kết quả xác định niên đại bằng đồng vị carbon bộ lông xác ướp cho thấy con mèo bị chôn vùi trong lớp đất đóng băng vĩnh cửu ít nhất 35.000 - 37.000 năm. Xác con vật được thu thập từ bờ sông Badyarikha ở Yakutia năm 2020, cho phép các nhà nghiên cứu mô tả lần đầu tiên những đặc điểm hình dáng của H. latidens, bao gồm kết cấu bộ lông, hình dạng mõm và phân bố khối lượng cơ. Đặc biệt, xác ướp còn giữ được móng vuốt sắc và bộ ria, nhưng không còn lông mi.

Cập nhật: 18/11/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video