Xây dựng đường hầm 11 tỷ USD nối Scandinavia và Địa Trung Hải

Hầm đường sắt Brenner dài 55km chạy qua dãy Alps sẽ hoàn thành vào năm 2028, cho phép các đoàn tàu chạy qua ở tốc độ 200km/h.

Hành lang Scandinavia - Địa Trung Hải là trục đường bắc - nam trọng yếu đối với nền kinh tế châu Âu. Hành lang trải dài từ Phần Lan và Thụy Điển ở phía bắc tới đảo Malta ở phía nam, đi qua Đan Mạch, Đức, những khu công nghiệp ở phía bắc Italy và nhiều cảng ở miền nam Italy. Trục đường chạy thẳng tắp cho tới khi tới dãy Alps, giao thông di chuyển chậm lại tạo thành nút ùn tắc. Để giải quyết vấn đề, năm 1994, Liên minh châu Âu (EU) đã xây dựng đường hầm Brenner trị giá 11 tỷ USD qua trung tâm dãy núi để nối liền Scandinavia với Địa Trung Hải. Nằm ở độ cao 1.371 m phía trên mực nước biển, Brenner là đường hầm thấp nhất chạy qua dãy Alps và có thể sử dụng quanh năm.


Đường hầm Brenner sẽ hoàn thành vào năm 2028. (Ảnh: IRJ)

Năm 1867, đường sắt Brenner được xây dựng và nối liền với đường cao tốc E45 vào thập niên 1970, tạo thành tuyến đường quan trọng từ Biển Bắc tới Địa Trung Hải và ngược lại. Ngày nay, đường sắt Brenner vận chuyển 40% tổng lượng hàng hóa qua dãy Alps. Do độ dốc lớn của địa hình và những tác động làm giảm vận tốc tàu, hơn 2/3 lượng hàng hóa thực chất được chở bằng đường bộ.

Việc sửa chữa tuyến đường sắt hiện nay gần như bất khả thi do địa hình, vì vậy EU quyết định xây dựng một hầm đường sắt hoàn toàn mới xuyên qua dãy Alps. Bắt đầu từ Innsbruck ở Áo và nối với Fortezza ở Italy, tuyến chính của đường hầm sẽ kéo dài 55 km. Khi nối với các đường hầm phụ ở Innsbruck xây vào năm 1994, dự án sẽ trở thành mạng lưới đường sắt dưới lòng đất dài nhất thế giới với tổng chiều dài 64 km, vượt qua đường hầm Gotthard ở Thụy Sĩ.

Dự án bao gồm một đường hầm thăm dò, dùng để xác định điều kiện của tuyến đường trước khi xây dựng, đồng thời đóng vai trò như hệ thống cống khi hoàn thành. Hai đường hầm chính nằm cách nhau 70m chứa tàu chạy theo cả hai hướng cùng bốn đường hầm dẫn vào ở hai bên, thông với mặt đất và cho phép vận chuyển vật liệu. Ba trạm khẩn cấp được xây cách nhau 20km để cung cấp lối thoát hiểm cho hành khách nếu cần.

Quá trình thi công bắt đầu vào năm 2008 và công tác đào đất diễn ra ở 4 địa điểm chính trong hơn một thập kỷ. Đào đường hầm dài xuyên qua dãy núi không phải công việc dễ dàng. Tuyến đường chạy qua bốn loại đá khác nhau và một trong những vệt đứt gãy dài nhất châu Âu. Vì vậy, các kỹ sư phải sử dụng cả phương pháp nổ và máy đào hầm (TBM) với tỷ lệ 50/50.

Đối với những đoạn dùng phương pháp đầu, thuốc nổ được đặt trong các hố đào trước và kích nổ. Đất đá vỡ ra được chuyển đi bằng máy móc hạng nặng. Sau khi dọn sạch đất đá, đội xây dựng phun bê tông để ổn định mặt đất, sau đó lắp đặt mỏ neo, dầm dạng vòm và lưới cốt thép để tạo cấu trúc đỡ. Các đoạn sử dụng TBM đơn giản hơn nhiều. Cỗ máy đào đất đá, chuyển đi thông qua bằng chuyền và gia cố đường hầm trong lúc dịch chuyển. Với đường kính bên trong là 8,1 m, tổng cộng lượng đất đá đào từ dự án là 21,5 triệu m3.

Khi hoàn thành vào năm 2028, đường hầm Brenner sẽ cho phép các đoàn tàu chạy qua ở tốc độ 200km/h. Hành trình từ Innsbruck tới Fortezza sẽ giảm từ 80 phút xuống còn 20 phút.

Cập nhật: 13/04/2022 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video