Ấn Độ phát triển hệ thống khoa học vào năm 2013

  •  
  • 465

Ngày 3/1 tại Kokata, thủ phủ bang West Bengan của Ấn Độ đã khai mạc Đại hội Khoa học Ấn Độ lần thứ 100.

Đại hội thường niên này diễn ra trong năm ngày, có chủ đề: "Khoa học để định hình tương lai của Ấn Độ" với sự tham gia của khoảng 12.000 nhà khoa học Ấn Độ và quốc tế. Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee và Thủ tướng Manmohan Singh đã tham dự phiên khai mạc.

Phát biểu khai mạc, Tổng thống Mukherjee nhấn mạnh Ấn Độ cần một hệ thống giáo dục chú trọng đến phát triển "văn hóa khoa học". Theo ông, tăng trưởng kinh tế mà không có kiến thức để quản lý những thay đổi là chưa đủ và chưa phù hợp.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Ấn Độ T Ramasami.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Ấn Độ T. Ramasami.

Tại phiên khai mạc Đại hội, Thủ tướng Singh cũng công bố chính sách về khoa học, công nghệ và sáng tạo nhằm đưa Ấn Độ vào nhóm năm "cường quốc khoa học" trên thế giới vào năm 2020.

Thủ tướng Singh hoan nghênh các đại biểu thảo luận về lĩnh vực thực phẩm biến đổi gene, năng lượng hạt nhân và thăm dò khoảng không vũ trụ. Ông nói rằng biến đổi nông nghiệp phải là ưu tiên hàng đầu trong các chính sách của nhà nước, trong đó có chính sách về khoa học và công nghệ.

Trước đó, phát biểu tại cuộc họp báo ở New Delhi chiều 2/1, ông T. Ramasami, Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Ấn Độ, cho biết chính sách khoa học, công nghệ và sáng tạo năm 2013 sẽ tập trung vào hệ thống khoa học, nghiên cứu và sáng tạo với vai trò chủ đạo của công nghệ cao. Chính sách này sẽ vạch lộ trình cho việc sử dụng khoa học, nghiên cứu và sáng tạo vào định hình tương lai của Ấn Độ.

Đây là chính sách khoa học lần thứ tư của nước này kể từ khi giành được độc lập, sau "Chính sách Cách mạng Khoa học" năm 1958; "Tuyên bố Chính sách Công nghệ" năm 1983; và "Chính sách Khoa học & Công nghệ” năm 2003.

Theo báo cáo Khoa học toàn cầu của UNESCO, Ấn Độ hiện đứng thứ chín thế giới về số lượng các nghiên cứu khoa học được xuất bản và thứ 12 thế giới về lĩnh vực bằng sáng chế.

Theo Vietnam+
  • 465