Theo phóng viên tại New Delhi, Ấn Độ đã đánh dấu thêm bước tiến lớn trong ngành khoa học không gian, khi cùng 4 đối tác khác là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Canada tham gia dự án trị giá khoảng 1,5 tỷ USD xây dựng và vận hành kính thiên văn lớn nhất thế giới tại đảo Hawaii ở Mỹ.
Kính thiên văn khổng lồ ở Hawaii. (Nguồn: wikipedia)
Lễ khởi công xây dựng kính thiên văn viễn vọng lớn nhất thế giới có đường kính 30m (TMT) trên đỉnh Mauna Kea ở Hawaii, ngọn núi lửa không hoạt động cao 4.205m so với mực nước biển, vừa diễn ra hôm 7/10 vừa qua.
Giám đốc chương trình dự án TMT của Ấn Độ, Eswar Reddy, cho biết với thiết kế mặt gương chính có đường kính 30m, TMT cho phép tập hợp ánh sáng gấp 9 lần, độ nét tăng 3 lần so với kính thiên văn lớn nhất hiện nay.
Khi kính viễn vọng khổng lồ này được hoàn thành vào năm 2018, các nhà khoa học có thể quan sát những hành tinh và ngôi sao mới hình thành, những vật thể cách xa Trái Đất 13 tỷ năm ánh sáng hay tìm hiểu nguồn gốc của các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời, các hố đen, vật chất tối và năng lượng tối.
Tổng chi phí cho dự án TMT ước tính 1,5 tỷ USD, trong đó Ấn Độ đóng góp khoảng 216 triệu USD.
Tiêu đề đã được khoahoc.tv đổi lại.