Chiến dịch bảo vệ tê giác

  •  
  • 5.969

Vào tháng 8/2012, ENV đã tổ chức 4 cuộc triển lãm về động vật hoang dã tại Hà Nội, Đà Nẵng, và TP. Hồ Chí Minh với chủ đề: “Bạn có tin vào lời đồn rằng sừng tê giác có thể chữa được ung thư?”.

Chiến dịch bảo vệ tê giác

Có tổng số 214 người đã chia sẻ ý kiến về vấn đề này, và kết quả cuối cùng được thể hiện qua biểu đồ dưới đây: Có đến 160 người (chiếm 74,8%) không tin rằng sừng tê giác có thể chữa được bệnh ung thư; chỉ 33 người (chiếm 15,4%) nghĩ rằng sừng tê giác có tác dụng nào đó trong việc điều trị bệnh ung thư; và 21 người (chiếm 9,8%) trả lời rằng họ không biết sừng tê giác có thể chữa được bệnh ung thư hay không.

Trong vài tháng qua, ENV cũng đã tiến hành một cuộc thăm dò trực tuyến về việc sử dụng sừng tê giác trên trang web của Trung tâm: www.thiennhien.org.

Chiến dịch bảo vệ tê giác

Phần thăm dò ý kiến bao gồm hai câu hỏi, với câu hỏi đầu tiên: “Bạn hoặc người thân trong gia đình đã từng sử dụng sừng tê giác chưa?”. Kết quả được minh họa trong biểu đồ dưới đây: Có 86% số người tham gia chưa bao giờ sử dụng sừng tê giác, 10% đã từng sử dụng (bản thân người đó hoặc thành viên trong gia đình), và 4% không chắc chắn về việc đã từng sử dụng sừng tê giác (?!).

 

Chiến dịch bảo vệ tê giác

Trong câu hỏi thứ hai: “Lý do chính mà bạn hoặc người thân trong gia đình sử dụng sừng tê giác?”, có tới 36% người tham gia trả lời không chắc chắn về lý do họ sử dụng sừng tê giác, 18% sử dụng nó để cải thiện sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật, 9% dùng để hạ sốt tương đương với 9% số người dùng sừng tê giác để chữa bệnh ung thư, và 28% sử dụng nó cho một số lý do "khác".

 


Thông tin về Tê giác

Chiến dịch bảo vệ tê giác

Trên thế giới có năm loài tê giác: tê giác đen và tê giác trắng ở Châu Phi, tê giác Ấn Độ, tê giác Java và tê giác Sumatra ở Châu Á. Các loài tê giác đang bị đe dọa bởi nạn săn bắt và buôn bán nhằm đáp ứng nhu cầu về thuốc cổ truyền làm từ sừng tê giác. Đa phần sừng tê giác thường bị nhập lậu từ Nam Phi vào Việt Nam và Trung Quốc.

Trước đây, Việt Nam đã từng tự hào về cá thể tê giác Java hoang dã duy nhất của Đông Dương còn sót lại tại Vườn Quốc Gia Cát Tiên. Tuy nhiên, tháng 4 năm 2010, cá thể tê giác cuối cùng này được phát hiện bị bắn chết trong tình trạng sừng bị cắt và xác thì đã thối rữa trong rừng. Loài này sau đó đã bị tuyên bố chính thức tuyệt chủng ở Việt Nam!

Sừng tê giác không phải là thần dược

Theo điều tra của ENV năm 2011 - 2012, nhiều người tin rằng, sừng tê giác có thể giúp giảm sốt, thải độc tố, tăng cường sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật. Thậm chí một số người còn cho rằng sừng tê giác chữa được cả bệnh ung thư. Tuy nhiên, cũng theo điều tra này, nhiều bác sỹ, gồm cả bác sỹ đông y, và nhà khoa học đã khẳng định sừng tê giác không có tác dụng chữa ung thư.

Trên thực tế, việc sử dụng sừng tê giác ở Việt Nam còn được xem như cách thể hiện đẳng cấp của một số người muốn phô trương sự giàu có và thành công của mình bằng việc tiêu thụ các sản phẩm quý hiếm, đắt tiền và ”khác người” như sừng tê giác.

"Cấu tạo của sừng tê giác không khác gì móng tay của bạn!"

Sừng tê giác do chất kê-ra-tin (chất sừng) tạo ra, tương tự như thành phần cấu tạo của móng tay và sừng trâu. Hơn thế nữa, theo các bác sỹ đông y, hầu hết cả sản phẩm được cho là sừng tê giác đang có mặt trên thị trường đều là “hàng giả”.

Chiến dịch bảo vệ tê giác

Đường dây buôn bán trái phép sừng tê giác từ Nam Phi

Đường dây săn bắt và buôn bán sừng tê giác vô cùng khác biệt vì việc săn bắn thì diễn ra ở Châu Phi trong khi đó thị trường tiêu thụ bất hợp pháp lại ở Việt Nam và Trung Quốc. Một số người Việt Nam gần đây đã bị phạt tù ở Nam Phi vì có liên qua tới hoạt động săn bắn và buôn bán trái phép sừng tê giác. Theo báo cáo của TRAFFIC, 448 cá thể tê giác đã bị giết hại tại Nam Phi năm 2011.

Chiến dịch bảo vệ tê giác
(Nguồn: National Geographic)

Là một trong những thị trường tiêu thụ chính về sừng tê giác, Việt Nam có ảnh hưởng lớn đến sự sống còn của các loài tê giác ở Nam Phi. Vì vậy Việt Nam cần có trách nhiệm bảo vệ các loài tê giác trên thế giới.

Tuyệt chủng ở Việt Nam

Chiến dịch bảo vệ tê giác

Cá thể tê giác cuối cùng bị giết năm 2010 để lấy sừng. Vậy tiếp theo sẽ là loài nào, voi, hổ, vượn, hay là loài nào khác? Để chấm dứt nạn giết hại tê giác trái phép để lấy sừng cần có sự thực thi pháp luật nghiêm minh của các cơ quan chức năng cũng như sự ủng hộ và tham gia tích cự từ cộng đồng.

Hãy hành động, đừng chỉ đứng nhìn

Tê giác và các sản phẩm từ tê giác đều được pháp luật bảo vệ. Quảng cáo, buôn bán sừng tê giác là vi phạm pháp luật Việt Nam. Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) nghiêm cấm vận chuyển sừng tê giác vào Việt Nam nếu không có giấy phép hợp lệ. Sừng tê giác hợp pháp chỉ được dùng cho trưng bày và không được phép buôn bán vì mục đích thương mại.

Nếu bạn thấy sừng tê giác bị quảng cáo hoặc buôn bán, hãy thông báo cho cơ quan chức năng địa phương hoặc gọi tới đường dây nóng miễn phí 1800 - 1522 hoặc gửi thư điện tử về cho chúng tôi qua địa chỉ [email protected].

Đừng tự biến mình thành kẻ ngốc

Hãy nói không với việc mua bán và tiêu thụ sừng tê giác. Nếu bạn làm vậy, thái độ và tiền bạc của bạn sẽ cổ xúy cho việc giết hại tê giác ở Châu Phi và đẩy loài này đến bờ tuyệt chủng.

Theo Thiennhien.org
  • 5.969