Bánh tortilla, quần áo không hấp thụ mùi, robot động vật, đó là những thứ cần thiết cho các phi hành gia sau khoảng 20 năm nữa, khi họ bay lên sao Hỏa. Niềm đam mê chinh phục sao Hỏa đã “ngấm vào máu” một nhóm 6 người tình nguyện, hiện đang sống trong “căn cứ vũ trụ” giả tưởng trên quần đảo Hawaii.
Việc mô phỏng chiến dịch chinh phục sao Hỏa nằm trong khuôn khổ chương trình Thử nghiệm thực phẩm dành cho sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa (HI-SEAS) và đã diễn ra được hơn một tháng. 6 người tình nguyện đã được chọn lựa trong 700 người để tham gia chiến dịch mô phỏng. Đó là: Nghệ sĩ kiêm nhà nghiên cứu vũ trụ Angelo Vermeulen, nữ kỹ sư thiết kế robot Yajaira Sierra- Sastre, kỹ sư Simon Engler, nhà địa chất học Sian Proctor, nhà sinh vật học Oleg Abramov và nữ nhà báo Kate Green.
Nhiệm vụ của 6 người này là chỉ ra những sản phẩm tốt nhất, trong đó có thực phẩm và quần áo thích hợp cho nhóm phi hành gia đầu tiên bay lên sao Hỏa. Theo kế hoạch, sau năm 2030, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ đưa người lên sao Hỏa.
“Những người thử nghiệm” sống trong một buồng kín trên núi lửa Mauna Loa ở Hawaii. Chiến dịch của họ còn kéo dài trong 3 tháng nữa. NASA đã tài trợ 947.000 USD cho chiến dịch này. Phần lớn thời gian những người tình nguyện sống trong buồng kín, còn khi muốn đi ra ngoài họ phải mặc bộ quần áo vũ trụ đặc biệt, giống như bộ quần áo của các phi hành gia trên trạm vũ trụ quốc tế ISS. Liên lạc giữa “căn cứ” của họ với bên ngoài bị chậm 20 phút, tương đương khoảng thời gian để sóng điện từ đi từ sao Hỏa xuống trái đất và ngược lại.
Sau một tháng thử nghiệm các loại thực phẩm, nhóm tình nguyện đã chọn được thực đơn tối ưu cho các phi hành gia. Đó là bánh tortilla với rau quả sấy khô hoặc làm khô lạnh (lyophilization). “Các gói thức ăn rất tuyệt. Chúng tôi kết hợp bánh tortilla với các loại rau quả khác nhau, xúc xích hoặc cá đóng hộp”, ông Angelo Vermeulen, trưởng nhóm, cho biết như vậy. Nếu nói về đồ uống thì nước cam “Tang” là ưu tiên số một, được các phi hành gia sử dụng từ 50 năm nay.
Nhóm tình nguyện cũng đã tiến hành thử nghiệm với “sức chịu bẩn” của áo sơ mi. “Hai thành viên của nhóm đã không thay áo tập luyện trong 5 tuần mà áo không bốc mùi hôi”, ông Vermeulen cho biết.
Để tránh cảm giác cô đơn, nhóm được cung cấp những robot tương tác có hình dáng giống các con vật nuôi. Nguyên nhân là những con vật 4 chân nuôi trong nhà, theo các nghiên cứu, có khả năng xoa dịu căng thẳng và kết nối tình cảm với con người.