Ấn tượng hàng nghìn tia chớp diễn ra cùng lúc trên bầu trời châu Âu

  •  
  • 127

Camera gắn trên vệ tinh thời tiết mới của châu Âu đã ghi lại được khoảnh khắc ấn tượng khi hàng nghìn tia chớp lớn nhỏ xảy ra cùng lúc trong một cơn bão ở châu Âu.

Khoảnh khắc ấn tượng khi hàng nghìn tia chớp lớn nhỏ xảy ra cùng lúc trong một cơn bão
Eumetsat-12 là vệ tinh thời tiết đầu tiên của châu Âu có khả năng giám sát hoạt động của sét trên bầu trời. (Ảnh: Eumetsat).

Bên trên là hình ảnh được chụp bởi vệ tinh Meteosat-12, do Tổ chức Khai thác Vệ tinh Khí tượng Châu Âu (Eumetsat) vận hành. Trong ảnh, các camera gắn trên vệ tinh Meteosat-12 đã ghi lại được khoảnh khắc ấn tượng khi hàng nghìn tia chớp lớn nhỏ xảy ra cùng lúc trong một cơn bão ở châu Âu.

Được biết, vệ tinh hiện nằm cách Trái đất khoảng 36.000km, tại quỹ đạo địa tĩnh. Đây là độ cao lý tưởng với các vệ tinh dự báo thời tiết, do tốc độ của chúng khớp với vòng quay của Trái đất.

Nhờ đó các vệ tinh luôn có tầm nhìn liên tục về một phần của địa cầu, cho phép các nhà khí tượng quan sát các hiện tượng thời tiết diễn biến như thế nào trong thời gian thực.

Về Meteosat-12, đây đóng vai trò là vệ tinh đầu tiên trong series gồm 6 vệ tinh thời tiết mới của Eumetsat, được cho là sẽ tăng cường khả năng phòng thủ của châu Âu trước các thảm họa thời tiết do biến đổi khí hậu gây ra.

Hình ảnh minh họa vệ tinh Meteosat-12 hoạt động ở quỹ đạo Trái đất.
Hình ảnh minh họa vệ tinh Meteosat-12 hoạt động ở quỹ đạo Trái đất. (Ảnh: Eumetsat).

Thiết bị có tên "Lightning Imager" được trang bị trên vệ tinh Meteosat-12 bao gồm 4 camera. Trong đó, mỗi camera có thể chụp 1.000 hình ảnh/giây, cả ngày lẫn đêm, phát hiện ngay cả một tia sét đơn lẻ diễn ra nhanh hơn cái chớp mắt.

Tầm quan sát của vệ tinh cho phép thiết bị có thể phát hiện các tia sáng trong bầu khí quyển trên khắp Châu Âu, Châu Phi, Trung Đông và một phần của Nam Mỹ.

Theo Eumetsat, trước đây chỉ có các vệ tinh của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) là có khả năng sử dụng camera để chụp ảnh sét. Giờ đây, Meteosat-12 là vệ tinh đầu tiên của châu Âu cung cấp tính năng tương tự.

Mục đích của việc này là để cải thiện những dự báo về các sự kiện thời tiết cực đoan, có thể xảy đến trong một khu vực rộng lớn.

"Những cơn bão nghiêm trọng thường xảy ra trước những thay đổi đột ngột trong hoạt động của sét", ông Phil Evans, Tổng giám đốc Eumetsat, cho biết trong một tuyên bố.

"Bằng cách quan sát những thay đổi trong hoạt động của sét, các nhà khí tượng học có thể dự báo được các cơn bão nghiêm trọng từ trước khi nó được hình thành".

Dữ liệu từ vệ tinh cũng cho phép các hãng hàng không trên các chuyến bay xuyên Đại Tây Dương nắm bắt được diễn biến thời tiết, nhằm cải thiện mức độ an toàn trong các chuyến bay.

Cập nhật: 07/07/2023 Dân Trí
  • 127