Anh: Nỗi sợ “nửa người nửa thú”

  •  
  • 4.269

Duy Ân (tổng hợp)

Người Hy Lạp xem ra có lý khi dựng nên huyền thoại Centaur, quái vật nửa người nửa ngựa. Chuyện này có thể trở thành hiện thực nhờ lệnh cho phép lai ghép tế bào phôi người và thú mới ban hành của chính phủ Anh

Cơ quan sinh sản và phôi người (HEFA) của Anh hôm 05/09 cho phép các nhà khoa học được lai tạo phôi người và động vật. Quyết định này được công bố sau khi các nhà khoa học Anh đề xuất công trình đưa nhân có chứa ADN từ tế bào người vào các tế bào trứng bò cái đã tách gần hết nhân để tạo phôi lai có thành phần gồm 99,9% nhiễm sắc thể của người và chỉ có 0,1% của động vật. Tế bào phôi lai này chứa khoảng 13 gien động vật, và 20.000 - 25.000 gien người. Bò, cừu, thỏ… được ưu tiên tuyển chọn trong các nghiên cứu này.

Lý lẽ của khoa học

Tinh trùng chui vào trứng. Những nhóm phản đối cho rằng ngay giây phút này mầm sống con người đã xuất hiện, do đó tổn hại đến tế bào phôi là tội ác phá thai, giết người. (Ảnh : TL)

Quyết định cho phép nghiên cứu phôi lai của HFEA cũng có nghĩa là đề nghị của hai nhóm các nhà khoa học đến từ trường đại học Newcastle và đại học Hoàng gia Luân Đôn về việc sử dụng nghiên cứu trên để khắc phục tình trạng thiếu nguồn trứng ở người, có thể sẽ được chấp thuận vào tháng 11 tới. Tình trạng khan hiếm trứng để nghiên cứu là có thật. Các nhà khoa học cần hàng chục ngàn trứng để nghiên cứu, nhưng không phụ nữ nào muốn hiến trứng để làm nghiên cứu. Luật pháp Anh không cho phép mua bán trứng. Trong vài trường hợp cá biệt được phép, giá trứng lại cao đến mức không mua nổi.

Lý do thứ hai các nhà khoa học đưa ra là những tế bào lai ghép này giúp phát triển nghiên cứu chữa các bệnh như Parkinson hay Alzheimer, chấn thương tuỷ sống… Các nhà nghiên cứu nói cuộc nghiên cứu không nhằm mục đích tạo ra một vật lai gồm các đặc điểm pha trộn giữa người và động vật, mà những phôi lai đó sẽ cung cấp cho các nhà khoa học các tế bào gốc để phát triển những phương pháp điều trị bệnh tật. Mỗi tế bào phôi lai ấy chỉ được lưu trữ trong 14 ngày để nghiên cứu, sau đó sẽ bị huỷ.

Lý lẽ của đạo đức

Tuy nhiên, quyết định của HFEA bị nhiều phản đối. Những người chống đối cho rằng việc tạo ra phôi lai sẽ dẫn tới xu hướng huỷ hoại loài người về sau và hành động này là phi tự nhiên và vi phạm các luân lý đạo đức. Toà thánh Vatican cũng lên tiếng chỉ trích coi đây là “một hành động tội ác trực tiếp chống lại phẩm giá con người”.

Nhờ thí nghiệm này, các nhà khoa học có thể tạo ra một đứa bé có hai bà mẹ ruột. Mẹ người và mẹ bò. Với lý luận này, tờ Daily Express đặt vấn đề: “Đây có phải là một thí nghiệm lố bịch kiểu Frankenstein?”. Tờ Daily Mail và tờ Telegraph cho rằng thí nghiệm này có thể tạo ra những

Rồi đây khi lai ghép, liệu chúng ta sẽ có sản phẩm nửa người nửa ngựa? (Ảnh: xprojectmagazine)

đứa bé được thiết kế trước. Tờ Telegraph lập luận: “Nếu những tế bào phôi đó đủ yếu tố con người để nghiên cứu, vậy tại sao không đủ chất người để thấy rằng đem họ ra nghiên cứu là sai?”

Tờ The Times gọi tế bào lai này là “tế bào Chimera”. Chimera có nghĩa là điều hão huyền và cũng là tên của con quái vật trong huyền thoại Hy Lạp, đầu sư tử, mình dê, đuôi rắn. The Times bình luận, chính phủ Anh cho phép con người đánh mất phẩm giá của mình để gia nhập thế giới thú vật.

Mánh khoé của HFEA

Trước khi ban hành lệnh này, HFEA đã làm một cuộc thăm dò ý kiến người dân. Kết quả cuộc thăm dò cho thấy đa số ủng hộ việc lai ghép tế bào người và thú vật. Tuy nhiên những người phản đối cho rằng HFEA đã đánh lừa dư luận.

Thứ nhất, các chính trị gia thường tỏ vẻ dân chủ qua các cuộc trưng cầu dân ý, do đó không lạ nếu thấy những người này tham gia cuộc thăm dò của HFEA. Tuy nhiên, không phải chính trị gia nào cũng có kiến thức trong những lãnh vực quá chuyên môn như lãnh vực lai ghép tế bào này. Những người cho mình là trung lập, và những người không có thông tin về vấn đề này đương nhiên không tham gia. Oái oăm thay những người này lại chiếm số đông, đại diện cho công chúng. Số đông tham gia thăm dò và bỏ phiếu thuận lại là số ít đang vận động cho chính sách này. Ví dụ, khi thăm dò luật sinh đẻ sửa đổi của Bộ y tế Anh, người ta thấy toàn là các nhóm vận động cho bộ luật này tham gia.

Thứ hai, tờ The Times tố cáo HFEA dùng mánh khoé khi tổ chức thăm dò, để thu được kết quả theo ý muốn. HFEA dùng cả hai kênh chính để thăm dò: trả lời bảng câu hỏi và tham gia hội thảo chung.

Liệu những tế bào lai "người - thú" có thể phát triển thành những thiên thần bé bỏng như thế này?

Trong các bảng câu hỏi của mình, HFEA dùng nghệ thuật sắp xếp các câu hỏi, để những người tham gia trả lời đồng ý và loại bớt số người phản đối. Sau đó những người đồng ý được đưa vào dự hội thảo, để cuối cùng ra tỷ lệ 65% người tham gia thăm dò ủng hộ lai ghép tế bào. Trong các bảng câu hỏi đó, HFEA không đề cập đến vấn đề đạo đức.

Ông David King, giám đốc Trung tâm cảnh báo gien người nói: “Thật đáng thất vọng, nhưng chẳng có gì ngạc nhiên vì xưa nay HFEA chưa bao giờ biết nói không với các nhà khoa học. Những thí nghiệm này vô dụng và có vấn đề về đạo đức”.

The Times kết luận bài viết bằng nhận định: “Thật ra, với những nghiên cứu này, các nhà khoa học muốn chiến thắng quyền lực của thần chết và thay thế tạo hoá đóng vai trò nguồn ban phát sự sống cho con người”.

Theo Sài Gòn tiếp thị
  • 4.269