Ánh sáng mặt trời làm tăng nguy cơ tự tử?

  •  
  • 539

Từ lâu nay, việc tiếp xúc với bóng tối trong một thời gian dài được cho là liên quan tới bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây cho rằng việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời cường độ cao, ít nhất là trong ngắn hạn, là yếu tố liên quan tới tỷ lệ tự tử cao hơn.

Trong bài nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Tâm lý học JAMA, nhóm nhà khoa học thuộc Đại học Vienna đã tiến hành nghiên cứu sự liên quan giữa thời gian tiếp xúc ánh sáng ban ngày với tỷ lệ tự tử ở Áo trong giai đoạn từ tháng 1/1970 đến tháng 5/2010.

Ánh sáng mặt trời làm tăng nguy cơ tự tử?
Trong một ngày nắng gay gắt, tỷ lệ tự tử có xu hướng tăng rõ rệt.

Theo đó, thời gian có ánh sáng mặt trời được tính toán từ 86 trạm khí tượng học. Đồng thời, các chuyên gia cũng xem xét hơn 69.000 vụ tự tử trong giai đoạn hơn 40 năm của nghiên cứu.

Kết quả cho thấy thời gian tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và số lượng các vụ tự tử có liên quan chặt chẽ với nhau. Đặc biệt trong một ngày nắng gay gắt, tỷ lệ tự tử có xu hướng tăng rõ rệt.

Các nhà khoa học cho rằng việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời cường độ cao trong ngắn hạn (dưới 10 ngày) có vẻ là yếu tố thúc đẩy tự tử. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời kéo dài từ 14-60, tỷ lệ này giảm đi.

Các nhà khoa học cũng phát hiện sự liên quan mật thiết giữa tỷ lệ tự tử của phụ nữ và thời gian họ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Trong khi với nam giới, sau khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong thời gian dài, tỷ lệ tự tử giảm một cách rõ rệt.

Khi nguyên nhân của tình trạng này chưa được tìm ra, có ý kiến cho rằng ánh sáng có thể ảnh hưởng qua lại với serotonin, chất dẫn truyền thần kinh ở người và động vật có thể tác động tới tâm trạng.

Điều này đồng nghĩa rằng việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời có thể biến đổi mức độ serotonin, dẫn tới hành vi và cảm xúc không nhất quán ở người hoặc động vật.

Tiêu đề đã được khoahoc.tv đổi lại.

Theo Báo Tin Tức, Daily Mail
  • 539