Các nhà nghiên cứu cảnh báo, người lớn tuổi càng ngủ ít, bộ não của họ càng bị teo và suy thoái nhanh hơn.
>>> Thiếu ngủ có thể khiến bạn bị "tẩy não"
Các chuyên gia thuộc Trường Y sau đại học Duke-NUS của Singapore đã tiến hành nghiên cứu 66 người lớn tuổi, sử dụng công nghệ quét cộng hưởng từ (MRI) cũng như những khảo sát về giấc ngủ. Cụ thể là, những người tình nguyện đã được đo khối lượng não và kiểm tra, đánh giá chức năng thần kinh - tâm lý 2 năm một lần. Thêm vào đó, thời gian ngủ của họ cũng được ghi lại thông qua bản câu hỏi.
Kết quả hé lộ, những người ngủ ít hơn cho thấy bằng chứng về sự phình rộng não thất nhanh hơn và suy thoái về nhận thức. "Phát hiện của chúng tôi đã gắn việc ngủ ít với dấu hiệu của sự lão hóa não", tiến sĩ June Lo, người đứng đầu nghiên cứu nói.
Thời lượng giấc ngủ mỗi ngày ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thể chất và tâm thần của mỗi chúng ta. (Ảnh minh họa: Getty Images)
Theo các tác giả nghiên cứu, công trình của họ, vốn liên quan đến xã hội đang lão hóa nhanh chóng của Singapore, sẽ mở đường cho những nghiên cứu trong tương lai về sự thiếu ngủ cũng như ảnh hưởng tăng thêm của nó đối với sự suy thoái trí não, kể cả chứng mất trí nhớ. Họ hy vọng trong những năm tới sẽ xác định được điều gì tốt cho sự trao đổi chất ở tim mạch và sức khỏe dài hạn của bộ não.
Hồi đầu tuần này, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Warwick (Anh) khuyến cáo, ngủ quá nhiều ở tuổi trung niên có thể cùng gây hại như thiếu ngủ. Nghiên cứu đối với gần 9.000 người trong độ tuổi từ 50 - 64 tuổi phát hiện, những đối tượng ngủ ít hơn 6 tiếng hoặc hơn 8 tiếng mỗi đêm có trí nhớ tồi tệ hơn và khả năng ra quyết định kém hơn. Tuy nhiên, sức mạnh của bộ não chỉ giảm xuống đối với những người lớn tuổi hơn (từ 65 - 89 tuổi) nếu họ ngủ quá nhiều.
Các chuyên gia đều nhất trí rằng, thời lượng giấc ngủ có ảnh hưởng đến cơ thể và trí não của chúng ta và rằng, số giờ ngủ cần thiết thay đổi theo tuổi tác của chúng ta. Giáo sư Francesco Cappuccio, đồng tác giả nghiên cứu của Đại học Warwick, nhấn mạnh, việc ngủ theo thời lượng thích hợp ở người cao tuổi thậm chí có thể ngăn chặn được sự suy thoái trí não, một nguyên nhân dẫn tới chứng mất trí ở người già.
Theo nhiều nghiên cứu, 7 tiếng/ngày là thời lượng ngủ tối ưu, tốt cho sức khỏe thể chất và tâm thần của một người trưởng thành, giúp phòng chống bệnh béo phì, tiểu đường, áp huyết cao, bệnh tim mạch, đột quỵ và cả teo não.