Hai con dẽ mỏ thìa chào đời khỏe mạnh tại khu bảo tồn tự nhiên Slimbridge mở ra cơ hội cứu loài chim lội nước hiếm nhất thế giới.
Sau 8 năm nỗ lực nhân giống loài dẽ mỏ thìa trong môi trường nuôi nhốt, các nhà bảo tồn từ tổ chức Wildfowl & Wetlands Trust (WWT) cuối cùng cũng gặt hái thành quả khi ấp nở thành công hai con non khỏe mạnh. Chuyên gia Nigel Jarrett từ WWT nhấn mạnh đây là "một bước đột phá lớn".
Một cặp dẽ mỏ thìa nuôi nhốt tại khu bảo tồn tự nhiên Slimbridge. (Ảnh: Times).
Số lượng dẽ mỏ thìa đang giảm trung bình 25% mỗi năm và hiện chỉ còn khoảng 200 cặp hoang dã trưởng thành có khả năng sinh sản. Nhằm cứu loài chim lội nước quý hiếm này khỏi nguy cơ tuyệt chủng, WWT đã thành lập một đàn nuôi nhốt tại khu bảo tồn Slimbridge ở Gloucestershire, Anh vào năm 2011. Kể từ đó, 12 quả trứng đã được sinh ra nhưng không thể nhân giống thành công (chỉ 5 quả được ấp nở nhưng không con non nào sống sót).
"Chúng tôi rất vui mừng vì hai con non mới nở đều sống sót và dường như thích nghi tốt với môi trường sống ở Gloucestershire", Jarrett chia sẻ. "Chúng đang mọc lông non và tiếp tục phát triển nhanh".
Trong tự nhiên, dẽ mỏ thìa được mô tả là có hành vi sinh sản "cực đoan" khi di cư tới 8.000km mỗi năm từ khu vực nhiệt đới ấm áp ở châu Á đến các bờ biển và vùng nội địa liền kề ở bán đảo Chukchi và Kamchatka gần Bắc Cực để làm tổ và đẻ trứng. Các nhà bảo tồn cho biết đã sử dụng rất nhiều cát biển, bóng đèn đặc biệt và công tắc hẹn giờ để mô phỏng môi trường sinh sản tự nhiên của chúng.