Chế tạo sừng tê giác giả để cứu tê giác thật

  •  
  • 929

Các nhà khoa học đã chế tạo thành công một loại sừng tê giác giả bằng lông ngựa với mục đích làm rối loạn thị trường mua bán sừng tê giác và bảo vệ loài vật này khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Theo CNN, trong một nghiên cứu được công bố hôm 8-11, các nhà khoa học của Đại học Oxford cho biết đã chế tạo thành công một loại sừng được tổng hợp từ lông ngựa giống với sừng tê giác. Thành phần tự nhiên và cách tạo thành chiếc sừng giả này giống hệt với sừng tê giác thật.

Sừng tê giác giả được chế tạo từ lông ngựa
Sừng tê giác giả được chế tạo từ lông ngựa - (Ảnh: CNN).

"Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy việc làm giả một chiếc sừng có đặc tính sinh học giống sừng tê giác thật là rất rẻ và dễ. Chúng tôi còn muốn phát triển công nghệ này hơn nữa với mục đích gây rối loạn thị trường thương mại, ép giá sừng thật và từ đó có thể hỗ trợ bảo tồn tê giác", giáo sư Fritz Vollrath của Đại học Oxford chia sẻ với CNN.

Các nhà nghiên cứu còn cho biết thật ra sừng tê giác là lông mọc ra từ mũi của con vật, kết hợp cùng với collagen và một số chất khác mà tạo thành.

"Điều mà tôi hi vọng là việc nhận thức được sừng tê giác không phải là một chất thần thánh. Nó chỉ đơn giản là lông mọc ra từ mũi con tê giác kết hợp cùng vài chất khác. Không có gì đặc biệt, không có gì kỳ diệu", giáo sư Vollrath cho biết thêm.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng việc tạo ra sừng tê giác giả sẽ cản trở các nỗ lực thực thi pháp luật nhằm ngăn chặn nạn buôn sừng tê giác.

Nhiều người tin rằng sừng tê giác có thể chữa được nhiều loại bệnh, đặc biệt là ung thư
Nhiều người tin rằng sừng tê giác có thể chữa được nhiều loại bệnh, đặc biệt là ung thư - (Ảnh: CNN).

"Các nhân viên chấp pháp sẽ khó có thể phân biệt được sừng thật và giả, đặc biệt là nếu cả hai đều được bán trên thị trường dưới dạng bột hoặc được tổng hợp trong các loại dược phẩm khác", người phát ngôn của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) cho biết.

Cathy Dean, giám đốc điều hành của Tổ chức Save the Rhino (tạm dịch: Cứu lấy tê giác), cho biết: "Nếu bạn bắt được ai đó đang buôn bán sừng tê giác thật, họ có thể biện hộ rằng đây chỉ là sừng làm từ lông ngựa, và điều đó sẽ khiến quá trình truy tố trở nên khó khăn hơn".

Tê giác thường bị săn trộm để lấy sừng. Sừng tê giác được nhiều người tin rằng có thể chữa những bệnh như ung thư. Nạn săn trộm và mất đi môi trường sống đã khiến số lượng tê giác suy giảm mạnh trên thế giới. Trong năm 2018, hơn 890 con tê giác đã bị giết ở châu Phi.

Theo thống kê của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới, hiện có khoảng 20.000 con tê giác trắng, 5.000 con tê giác đen và 3.500 con tê giác một sừng còn sống sót. Riêng tê giác Sumatra và tê giác Javan - có tên trong danh sách loài có nguy cơ tuyệt chủng, chỉ còn lần lượt chưa tới 80 con và 68 con.

Cập nhật: 11/11/2019 Theo Tuổi Trẻ
  • 929