Australia: Phát hiện hóa thạch một loài cá có niên đại 380 triệu năm

  •  
  • 1.242

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện tại Australia hóa thạch của một loài cá vừa “nguyên thủy” vừa “hiện đại” sống cách đây 380 triệu năm, giúp hiểu rõ hơn về sự xuất hiện của các động vật bốn chi.

Xương hóa thạch của con cá đặc biệt trong tình trạng bảo quản tốt được tìm thấy trong lớp đá vôi của thành hệ địa chất Gogo ở khu vực miền Tây Australia.

Loài cá Gogonasus andrewsae này gần gũi với loài cá nguyên thủy và có một số đặc điểm của những động vật bốn chi đầu tiên đi trên Trái Đất giúp cung cấp kiến thức về giai đoạn chuyển tiếp của các động vật từ đại dương vào đất liền.

Xương cá gồm một hàm răng có thể mở và đóng, xương sọ và các chi. Các nhà nghiên cứu khẳng định vây trước của nó có cấu trúc xương tương tự như chi của các động vật bốn chân. Tuy nhiên có thể nó chưa đi ra khỏi nước.

Nghiên cứu do Tiến sĩ John Long thuộc Viện Bảo tàng Victoria ở Melbourne dẫn đầu với sự hợp tác của Trường Đại học Monash và Trường Đại học quốc gia Australia.

Chiếc đầu hóa thạch của cá Gogonasus andrewsae
Chiếc đầu hóa thạch của cá Gogonasus andrewsae (Ảnh: latrobe.edu.au)

T.Đ

Theo RC, Đài TH Tp. Hồ Chí Minh
  • 1.242