Australia phát hiện loài rắn độc mới

  •  
  • 282

Theo phóng viên tại Sydney, các nhà khoa học Australia mới đây đã phát hiện ra một loài rắn độc mới sau nhiều thập kỷ loài này bị nhầm lẫn với một loài khác.

 Loài rắn này thường bị nhầm lẫn với các loài khác do các đặc điểm ngoại hình gần giống nhau.
 Loài rắn này thường bị nhầm lẫn với các loài khác do các đặc điểm ngoại hình gần giống nhau.

Loài rắn trên có tên khoa học là Demansia Cyanochasma (còn được gọi là “rắn roi sa mạc”), đã được phân biệt với các loài khác nhờ kết quả nghiên cứu di truyền được tiến hành tại Bảo tàng Nam Australia. Đây là kết quả do nhóm nghiên cứu, bao gồm nhà di truyền học James Nankivell tại Đại học Adelaide và 2 nhà nghiên cứu khác ở thành phố Perth (bang Tây Australia) thực hiện.

Tiến sĩ Mark Hutchinson - nhà nghiên cứu danh dự tại Bảo tàng Nam Australia cho biết loài rắn này thường bị nhầm lẫn với các loài khác do các đặc điểm ngoại hình gần giống nhau. Ông cho biết đây là một loài tương đối phổ biến và sinh trưởng thuận lợi, nhưng tốn khá nhiều thời gian để phát hiện ra rằng chúng thực sự là một loài khác, không giống như các loài ở bờ biển phía Tây hay bờ biển phía Đông Australia.

Loài rắn trên thường được tìm thấy tại các vùng sa mạc ở các khu vực như Trung tâm lục địa Australia, phía Đông Vùng Lãnh thổ Bắc Australia và dọc bang Tây Australia.

Ông Hutchinson chia sẻ các nhà khoa học đã mất khá nhiều thời gian để thu thập các mẫu gene từ nhiều cuộc khảo sát động vật khác nhau ở các khu vực xa xôi trước khi tiến hành đợt xét nghiệm di truyền.

Tiến sĩ Hutchinson cho biết thêm mặc dù loài rắn roi sa mạc có nọc độc, nhưng chúng không được coi là nguy hiểm đối với con người. Tuy nhiên, các vết cắn của chúng có thể gây đau và sưng tấy. Loài rắn này dài khoảng 70 cm và rất mảnh mai, có chiếc đầu khá nhỏ và răng nanh rất ngắn so với kích thước của chúng. Nọc độc của rắn roi sa mạc nhắm vào các động vật nhỏ và đây là đặc điểm khiến loài rắn này trở thành kẻ chuyên đi săn những con thằn lằn sa mạc.

Cập nhật: 21/07/2023 Báo Tin Tức/TTXVN
  • 282