Australia phát hiện siêu giun có thể giải quyết cuộc khủng hoảng nhựa

  •  
  • 1.682

Các nhà khoa học tại Australia vừa tìm ra một giải pháp có thể góp phần xử lý khoảng một triệu tấn nhựa phế thải mỗi năm của nước này đó là sử dụng một loại ấu trùng bọ cánh cứng có tên gọi là siêu giun để “ăn” rác thải nhựa.

Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Queensland, Australia ngày hôm nay vừa công bố kết quả nghiên cứu trên Tạp chí Gien vi sinh (Microbial Genomics) với những thông tin rất đáng quan tâm.

Những con siêu giun Zophobas morio đang ăn các mảnh nhựa vụn.
Những con siêu giun Zophobas morio đang ăn các mảnh nhựa vụn. (Ảnh: Christian Rinke)

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã sử dụng một loại ấu trùng bọ cánh cứng có tên khoa học là Zophobas morio và cho chúng ăn các mảnh nhựa vụn. Kết quả cho thấy, nhờ có một loại enzyme vi khuẩn có trong ruột của chúng mà những con siêu giun này có thể tiêu hóa được loại nhựa polystyrene, vốn được sử dụng để sản xuất các loại đồ nhựa đang được sử dụng phổ biến hiện nay như dao dĩa hay hộp đựng đồ ăn nhanh. Và điều đáng chú ý là loại siêu giun này sau khi ăn các mảnh nhựa thì chúng vẫn tăng cân và phát triển bình thường.

Các nhà khoa học tin rằng loài siêu giun có nguồn gốc từ Nam và Trung Mỹ có thể sẽ là chìa khóa để giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải nhựa không những đang là vấn đề nhức nhối tại Australia mà còn là trên phạm vi toàn cầu.

Một trong những tbác giả của nghiên cứu, Tiến sĩ Christian Rinke cho biết trong giai đoạn tiếp theo nhóm của ông sẽ tập trung làm rõ nguyên lý hoạt động của loại enzym đặc biệt có trong bộ máy tiêu hóa của loài siêu giun và các biện pháp nhằm tối ưu hóa và đẩy nhanh quy trình phân hủy nhựa.

Các nhà khoa học kỳ vọng với phương pháp mới này, các loại rác thải nhựa hiện nay không những có thể được xử lý, giảm thiểu việc chôn lấp, mà quy trình này còn có thể tạo các hợp chất nhựa có khả năng tự phân hủy sinh học.

Theo số liệu của chính phủ Australia, mỗi năm nước này thải ra môi trường khoảng một triệu tấn nhựa các loại, trong đó chỉ có 12% là được tái chế. Do vậy, việc tìm ra phương pháp tái chế nhựa đã qua sử dụng hoặc sản xuất được sản phẩm nhựa có khả năng phân hủy nhanh và thân thiện với môi trường hiện là yêu cầu cấp bách.

Cập nhật: 23/10/2024 VOV
  • 1.682