Top 10 cách khó tin mà động vật áp dụng để sống sót trong môi trường nguy hiểm

  •  
  • 977

Thế giới tự nhiên đầy rẫy sự cạnh tranh cùng khí hậu khắc nghiệt, và để tồn tại nhiều loài động vật đã phải thích nghi theo những cách đáng ngạc nhiên.

1. Ếch gỗ đóng băng cơ thể

Ếch gỗ

Để sống sót qua mùa đông, có tới 60% cơ thể của ếch gỗ Alaska bị đông cứng. Chúng cũng ngừng thở và tim ngừng đập. Điều này cho phép chúng tồn tại ở nhiệt độ thấp tới -62 độ C. Và vào mùa xuân, chúng sẽ tan băng.

Để đạt được trạng thái bán đông lạnh này, ếch tích tụ nồng độ glucose cao (gấp 10 lần lượng bình thường) trong các cơ quan và mô của chúng. Các chất hòa tan trong đường đóng vai trò là "chất bảo vệ lạnh", ngăn tế bào của chúng co lại hoặc chết.

2. Chuột Kangaroo sống mà không cần uống nước

Chuột Kangaroo

Chuột Kangaroo đã thích nghi để tồn tại trong sa mạc mà không cần uống một ngụm nước nào. Thay vào đó, chúng lấy tất cả độ ẩm cần thiết từ những hạt mà chúng ăn. Những sinh vật này cũng có thính giác đáng kinh ngạc và có thể nhảy cao tới 2,7 mét, giúp chúng tránh được những kẻ săn mồi.

3. Cá ở Nam Cực có protein "chống đông" trong máu

Cá ở Nam Cực

Năm họ cá notothenioid có thể tạo ra các protein "chống đông" của riêng chúng để tồn tại ở vùng biển Nam Đại Dương lạnh giá bao quanh Nam Cực. Các protein liên kết với các tinh thể băng trong máu của chúng, giúp cá không bị đóng băng. Sự thích nghi đặc biệt này giúp giải thích tại sao những loài cá này chiếm 90% sinh khối cá của khu vực này.

4. Ễnh ương châu Phi tạo ra những "ngôi nhà" bằng chất nhầy để sống sót qua mùa khô

Ễnh ương châu Phi

Những con ễnh ương châu Phi sống ở thảo nguyên châu Phi, nơi có thời tiết rất nóng và khô. Khi một con ếch ra khỏi nước, chất nhầy trên da giúp nó thở bằng cách hòa tan oxy từ không khí. Để da không bị khô trong khí hậu nóng bức của châu Phi, loài ễnh ương chôn mình dưới lòng đất từ 15 đến 20 cm. Sau đó, nó tạo ra một lớp màng nhầy, cứng lại thành một cái kén. Con ếch có thể ở trong cái kén này tới bảy năm trong khi chờ mưa. Khi mưa đến, độ ẩm làm mềm túi nhầy, đánh thức ếch và báo hiệu mùa mưa đã bắt đầu. Đây cũng là thời điểm ếch sinh sản và hoạt động tích cực nhất.

5. Mực nang với khả năng hòa mình vào môi trường xung quanh

Mực nang

Mực nang có khả năng tuyệt vời để thay đổi màu sắc và kết cấu cơ thể của chúng để hòa vào môi trường xung quanh. Chúng có thể phát hiện lượng ánh sáng được hấp thụ vào môi trường và sau đó bắt chước nó bằng các sắc tố của riêng mình. Chúng có 3 lớp da (vàng, đỏ và nâu), có thể kéo giãn theo nhiều cách khác nhau để tạo nên các màu sắc và hoa văn độc đáo. Da của chúng cũng có những nhú gai khiến mực nang trông có vẻ cứng như san hô. Kết hợp cùng với nhau, những đặc điểm này cho phép mực nang thoát khỏi những kẻ săn mồi, cũng như rình bắt những con mồi khi chúng không ngờ tới.

6. Giun ống biến nước có độc thành thức ăn

Giun ống

Các nhà khoa học từ lâu đã nghĩ rằng sự sống không thể tồn tại ở các lỗ thông thủy nhiệt nằm sâu dưới lòng đại dương. Nhưng vào năm 1977, họ đã tìm thấy những con giun ống khổng lồ sống dọc theo Khe nứt Galapagos, ở độ sâu 2,4 km dưới bề mặt đại dương. Những con giun ống này được bao quanh bởi bóng tối hoàn toàn trong môi trường sống của chúng, và chúng cũng sống trong khu vực nước chứa đầy khí độc và axit.

Đó là lý do chúng không có dạ dày, ruột, hoặc mắt. Thay vào đó, chúng là những "túi vi khuẩn" với cấu trúc giống như trái tim và cơ quan sinh sản. Vi khuẩn bên trong giun sử dụng hydro sunfua độc hại trong nước, thứ sẽ giết chết hầu hết các loài động vật khác, làm nguồn năng lượng để sản xuất carbohydrate.

7. Okapi có tuyến mùi trên chân

Okapi

Nếu bạn chưa biết thì Okapi là loài động vật kỳ lạ trông giống như một sự kết hợp giữa hươu cao cổ và ngựa vằn. Chúng sống ở Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi có khí hậu rất nóng và là nơi những kẻ săn mồi như báo hoa mai luôn rình rập.

Để tồn tại, okapi sử dụng ba cách thích ứng chính. Đầu tiên, chúng có tuyến mùi trên chân để đánh dấu lãnh thổ. Thứ hai, chúng có tiếng gọi hạ âm, cho phép chúng giao tiếp với con non mà không bị kẻ săn mồi nghe thấy. Cuối cùng, chúng có những chiếc lưỡi dài từ 35 đến 45 cm, để có thể tự mình rửa mắt và tai.

8. Cá nóc có thể phồng to hơn gấp đôi kích thước ban đầu

Cá nóc

Cá nóc có khả năng làm căng bụng bằng nước nếu chúng cảm thấy bị đe dọa. Chúng cũng có thể lộ những chiếc gai lởm chởm của mình trong quá trình này để ngăn chặn những kẻ săn mồi tiềm năng. Đôi khi, chúng phồng lên chỉ để kéo căng cơ bắp. Và chúng có thể phình to gấp đôi kích thước ban đầu của mình.

Ngoài ra, cá nóc còn sản xuất một chất độc thần kinh gọi là tetrodotoxin mà khi kẻ săn mồi tiêu thụ có thể gây tê liệt và co giật. Trong một số trường hợp, ăn một con cá nóc có thể dẫn đến tử vong ở người.

9. Voi sử dụng đôi tai khổng lồ để hạ nhiệt

Con voi

Tai voi hoạt động giống như một cơ chế làm mát tích hợp. Chúng có thể hạ nhiệt bằng cách vỗ đôi tai khổng lồ của mình. Bằng cách thực hiện chuyển động vỗ tai, voi đang tự tạo ra một làn gió và thúc đẩy lưu lượng máu qua các mạch trong tai, giúp chúng hạ nhiệt.

Đôi khi, voi bơi lội tung tăng trong một vùng nước và sử dụng vòi của chúng để phun những dòng nước vào sau tai để tăng thêm hiệu quả làm mát.

10. Thú mỏ vịt dùng mỏ phát hiện điện trường do con mồi tạo ra

Thú mỏ vịt

Mỏ của con thú mỏ vịt có thể phát hiện ra các điện trường tinh vi do con mồi tạo ra trong khi săn mồi và tìm kiếm thức ăn. Thú mỏ vịt thường lặn tìm thức ăn dọc theo đáy một vùng nước như sông, suối. Nó tìm kiếm những sinh vật sống ở tầng đáy như động vật giáp xác, giun và ấu trùng côn trùng.

Bằng cách sử dụng các cơ quan thụ cảm đặc biệt trong cơ thể, mỏ thú mỏ vịt có thể nhận biết những thay đổi về áp suất, chuyển động và tín hiệu điện do con mồi nhỏ để lại. Chỉ cần quét đầu từ bên này sang bên kia để kích hoạt cơ chế thụ cảm, chúng có thể kích hoạt một cấu trúc hóa học cho phép phát hiện các kích thích khác nhau từ chạm, áp suất, rung động và cả âm thanh.

Cập nhật: 21/12/2022 Tổ Quốc
  • 977