Ayers - hòn đá khổng lồ

  •  
  • 3.392

Hòn đá khổng lồ nằm chót vót trên vùng thảo nguyên hoang dã của miền trung nước Úc là một quả núi, nhưng chỉ có một khối đá duy nhất. Nó nằm ở phía nam dãy núi Macdonnell, cách thành phố Ailissibulins 350 km về phía đông. 

Hòn độc thạch lớn nhất thế giới này cao 348m, dài 3km, chu vi chân núi khoảng 8,5 km. Bốn mặt vách dốc đứng, trên đỉnh bằng phẳng như một hòn đảo mới nứt ra, lại vừa giống một con thú khổng lồ đang nằm nghỉ trên một mặt đất khiến hòn núi lộ ra vẻ hùng vĩ, tráng lệ và bất phàm. Năm 1973, nhà đo đạc người châu Âu Kelispi Gauss đã đến đây thăm dò và tình cờ phát hiện được hòn đá khổng lồ này. Lúc đầu, ông còn cho đó chỉ là ảo giác chứ không có thật. Sau khi khẳng định rằng, cảnh kỳ thú trước mắt là có thật, ông vô cùng phấn chấn, tìm cách leo lên đỉnh. Ông phóng tầm mắt ra xa, chỉ trông thấy một vùng thảo nguyên hoang sơ, rậm rạp, trông càng bao la bát ngát.

Để ghi nhớ lần phát hiện khó quên này, Gauss đã lấy tên thủ tướng người Nam Úc lúc bấy giờ là Hengli Ayers để đặt tên cho núi đá này. Về sau, tiếng đồn về hòn đá khổng lồ truyền đi khắp nơi, du khách từ khắp nơi nườm nượp kéo đến. Đến nay, nơi này đã được quy hoạch thành công viên quốc gia và trở thành điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới.

Nhìn từ xa, bề ngoài của hòn đá khổng lồ Ayers tròn và bóng nhẵn, toàn vẹn một khối, không có lấy một cọng cỏ. Du khách có thể từ nhiều góc độ khác nhau, tùy vào sự tưởng tượng của mình mà lưu lại những hình ảnh độc đáo. Nhưng điều tuyệt vời và thu hút du khách nhất là sắc thái rực rỡ của hòn đá khổng lồ biến đổi luôn luôn. Lúc rạng đông, mặt trời vừa mọc thì toàn bộ khối đá màu đỏ nhạt. Đến giữa trưa lại biến thành màu đỏ của trái cam, phản chiếu ánh mặt trời. Buổi chiều, khi mặt trời sắp lặn về tây, hòn đá lộ màu đỏ thẫm, thậm chí chuyển màu tím. Màn đêm buông xuống, nó lại thay chiếc áo ngoài màu vàng nâu để hoà lẫn với cảnh vật xung quanh. Nếu gặp trời mưa to hay khi mưa vừa tạnh thì hòn đá khổng lồ lại hiện màu tro bạc, pha lẫn một chút đen, giống như một con báo nằm trên bãi cát.

Hòn đá khổng lồ Ayers thực ra là một khối đá ráp thạch anh, chất đá cứng rắn, kết cấu chặt chẽ. Trải qua sự bào mòn của mưa gió, mặt đá trở nên bằng phẳng, hòn đá vẫn đứng sừng sững và được các nhà địa lý gọi là núi Thực Dư. Nguyên nhân đổi màu của đá liên quan đến đặc tính của nham thạch. Bề ngoài của đá ráp màu đỏ gồm có chất oxy sắt dưới sự chiếu rọi của ánh sáng mặt trời, dưới nhiều góc độ khác nhau sẽ đổi màu liên tục khiến hòn đá còn có tên "ngũ sắc độc thạch sơn".

Nếu lỡ đi ngắm hòn đá khổng lồ vào lúc trời mưa to cũng có cái thú riêng. Vừa thấy xuất hiện một vùng mây đen phía chân trời, trong phút chốc trời đất bỗng tối sầm lại, cát bụi mù mịt, tiếp đó là mưa tuôn xối xả với những đợt gió rít lên từng hồi. Khối đá lớn lúc bấy giờ lại phải trải qua một thử thách ghê gớm, du khách còn đang chưa hết bàng hoàng thì mưa chợt tạnh, mây tan, mặt trời lại ló ra, hòn đá khổng lồ lại lộ ra sừng sững. Lúc bấy giờ, bốn bề của hòn độc thạch nước chảy ào ào như muôn ngàn dải bạc, dưới ánh chiếu của bảy sắc cầu vồng nơi chân trời, nó trở nên vô cùng tráng lệ.

Từ xưa đến nay, những người dân địa phương đối với hòn đá này rất mực tôn kính. Họ xem hòn đá như thần thánh và quỳ lạy thi lễ. Tương truyền có một con rắn thần đủ màu sắc ở trong hang động nên người dân gần đó cứ định kỳ đến đây cúng tế.

Từ con đường nhỏ phía tây hòn đá Ayers, có thể vịn dây xích sắt leo lên đỉnh núi đá, chịu đựng một đêm giá lạnh. Cuối cùng, sẽ nhìn thấy một đường rực đỏ phía chân trời, tiếp theo là một vòng sáng hiện ra, sau cùng vọt ra một quả cầu lửa, cả vùng thảo nguyên rộng lớn trở nên sáng rực, đẹp lạ thường. Lúc bấy giờ, như đã trải qua các thời khắc thần thánh thiêng liêng của thuở khai thiên lập địa, tâm linh con người cũng được thanh tịnh và thăng hoa.

Theo VietNet
  • 3.392