Những ảnh hưởng kỳ lạ của động đất Nhật Bản

  •  
  • 3.169

Bảy ảnh hưởng kỳ lạ nhất của trận động đất và sóng thần tại Nhật Bản đã được Tạp chí OurAmazingPlanet Live Science thống kê.

Trận động đất kinh hoàng của Nhật Bản, tiếp theo sau là sóng thần ngày 11/3/2011 đã gây ra những tác động đến cả quả địa cầu, từ bề mặt cho tới trên tầng khí quyển, làm thay đổi lực hút của trái đất.

Tạp chí OurAmazingPlanet Live Science đã điểm qua 7 ảnh hưởng kỳ lạ nhất của 2 sự kiện này.

7. Những rạn nứt dưới đáy biển

Trận động đất đã là làm rạn nứt đáy biển ở ngoài khơi Tohoku. Các tàu lặn đã đo được các vết nứt từ 1 đến 3 mét vài tháng sau khi động đất.

Hình chụp vết nứt rộng 20cm kéo dài ít nhất hàng chục mét tại độ sâu hơn 3.000 mét ngày 10/08/2011.
Hình chụp vết nứt rộng 20cm kéo dài ít nhất hàng
chục mét tại độ sâu hơn 3.000 mét ngày 10/08/2011.

6. Những trận động đất nhỏ hơn xuất hiện trên diện rộng

Trận động đất đã xảy ra tại những khu vực rộng lớn của Nhật và tạo ra dư chấn. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng dư chấn không chỉ giới hạn trong những vùng gần đó.

Có bằng chứng cho thấy trận động đất này đã tạo ra những trận động đất nhỏ hơn trên toàn cầu, đặc biệt là những nơi thường xảy ra hoạt động địa chấn như Đài Loan, Alaska hay miền trung California, cường độ không quá 3 độ richter. Một vài trận động đất còn xảy ra ở những khu vực ít có các hoạt động địa chấn như miền trung Nebraska, Arkansas hay gần Bắc Kinh, thậm chí cả Cuba.

5. Sông băng ở Nam cực chảy nhanh hơn

Các trạm thu sóng GPS đã phát hiện ra được tốc độ chảy của dòng sông băng ở Nam cực tăng lên. Cách Nhật hàng ngàn dặm, sóng địa chấn của trận động đất ở Tohoku có vẻ đang làm tăng tốc độ tạm thời dòng sông băng Whillans. Những dòng sông băng này bình thường sẽ chảy chậm từ trong lục địa ra đại dương.

4. Núi băng ở Nam cực vỡ ra

Động đất và sóng thần mạnh và vươn xa đến nỗi chúng đã làm vỡ những núi băng khổng lồ trong dãy núi băng Sulzberger ở Nam cực. Đây là dãy núi băng nằm trong dòng sông băng trên biển. Những hình ảnh từ vệ tinh đã ghi nhận được việc này 18 tiếng sau trận động đất.

Hình chụp dãy núi băng Sulzberger bị vỡ ra.
Hình chụp dãy núi băng Sulzberger bị vỡ ra.

3. Bầu khí quyển xáo trộn

Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những dịch chuyển trên bề mặt trái đất và sóng thần do các trận động đất gây ra thường tạo ra những cơn sóng trong bầu khí quyển. Đặc biệt là trận động đất ở Nhật Bản đã tạo ra sự nhiễu loạn các hạt mang điện ở tận độ cao cách trái đất gần 350km.

2. Lực hấp dẫn thay đổi

Vệ tinh Grace đã phát hiện thấy trận động đất mạnh đến nổi nó làm thay đổi lực hút ở những vùng bị ảnh hưởng. Nó cũng làm vỏ trái đất mỏng đi dù không đáng kể và sụt giảm trường hấp dẫn tại khu vực động đất.

1. Ngày trên trái đất ngắn đi

Một nghiên cứu được thực hiện vài ngày sau trận động đất cho thấy nó làm tăng tốc độ quay của trái đất, độ dài 24 giờ của một ngày giảm xuống 1,8 microgiây. Một microgiây bằng 1 phần triệu giây.

Richard Gross, thuộc phòng thí nghiệm tên lửa đẩy của Nasa ở Pasadena, California, người thực hiện việc đo đạc này cho biết vòng quay hành tinh chúng ta tăng lên do trận động đất đã làm thay đổi sự phân bố khối lượng của trái đất.

Theo Vietnamnet
  • 3.169