Bài học từ Thái Lan đối với đập trên sông Mekong

  •  
  • 660

Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF) hôm nay cảnh báo các nhà đầu tư vào dự án đập trên sông Mekong nên nghiên cứu bài học từ đập sông Mun tại Thái Lan, một thất bại về kinh tế, môi trường và xã hội.


Chính phủ Thái Lan đang nghiên cứu mở vĩnh viễn các cửa đập Pak Mun, trên sông Mun.
Ảnh IE

Chính phủ Thái Lan đang nghiên cứu phương án mở vĩnh viễn các cửa trên đập sông Mun - một phụ lưu của sông Mekong - với hy vọng khôi phục hệ sinh thái khu vực sông và đời sống người dân, WWF thông báo.

Sông Mun bắt nguồn từ công viên quốc gia Khao Yai, khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất và lâu đời nhất của Thái Lan. Nó hợp lưu với sông Mekong ở tỉnh Ubon Ratthatchani ở miền đông bắc. Công trình đập sông Mun được xây dựng vào những năm 1990. Chi phí xây dựng vượt quá ngân sách và làm giảm lượng thuỷ sản ở đây, khiến cộng đồng phải di cư và không mang đến lợi nhuận cho các nhà đầu tư.

Những nguy cơ này cũng có thể lặp lại với đập Xayaburi, công trình mà người ta muốn xây ở dòng chính sông Mekong phía bắc nước Lào. Theo WWF, hiện nay đời sống của hàng chục triệu cư dân ở khu vực này đang bị đe doạ.

Tiến sĩ Suphasuk Pradubsuk, điều phối viên về chính sách của WWF Thái Lan, phát biểu: "Sông Mekong là một hệ sinh thái rất phức tạp và đặc biệt. Nó có nguồn lợi thủy sản nước ngọt lớn nhất thế giới và đứng thứ hai chỉ sau sông Amazon về số lượng các loài cá. Bài học của đập sông Mun tại Thái Lan vẫn còn đó. Việc nghiên cứu vội vàng về những tác động đến môi trường và xã hội có thể dẫn đến tình huống bất lợi cho cả ngư dân và chủ sở hữu con đập".

Với chi phí 233 triệu USD, đập sông Mun đã tiêu tốn gấp đôi lượng đầu tư dự tính ban đầu. Trong khi đó sản lượng điện chỉ đạt 1/3 mức dự tính trong mùa khô.

"Vài nghiên cứu còn hạn chế hiện nay không thể tìm ra sự tương tác giữa các thành phần khác nhau của hệ sinh thái. Vì vậy chúng ta không thể dự đoán chính xác được những tác động của đập trên dòng chính hạ lưu sông Mekong. Rủi ro đối với người dân, môi trường và cả nhà đầu tư là rất lớn", bà Suphasuk nói.

Quá trình tham vấn dự án xây dựng đập Xayaburi ở Lào sắp kết thúc dưới sự hướng dẫn của Uỷ ban sông Mekong. Mục đích của quá trình tham vấn là đảm bảo những đánh giá nghiêm khắc, rõ ràng và khoa học về những tác động của con đập. Tuy nhiên, báo cáo nghiên cứu tính khả thi của đập Xayaburi, mới được phát hành gần đây, không đề cập gì đến bài học từ đập sông Mun, WWF nhấn mạnh.

"Nghiên cứu này chỉ khẳng định rằng tác động của đập Xayaburi sẽ ở mức thấp mà không đưa ra những bằng chứng để hỗ trợ cho kết luận đầy lạc quan này", ông Phasiri Winichagoon, giám đốc WWF Thái Lan, nói.

Winichagoon cho rằng những người từng ủng hộ dự án đập sông Mun cũng đã bỏ qua những tác động đến sông Mun. Tuy nhiên có những thảm hoạ về kinh tế và môi trường ẩn giấu trong những gì đã bị bỏ qua hoặc coi là không cần quan tâm.

WWF ủng hộ việc trì hoãn phê duyệt các đập trên dòng chính hạ lưu sông Mekong trong 10 năm để đảm bảo các bên liên quan hiểu biết toàn diện những tác động của việc xây dựng và vận hành đập.

Theo Vnexpress
  • 660