Phòng phẫu thuật tương lai trông ra sao?

  •  
  • 182

Giống như rất nhiều lĩnh vực khác của đời sống, phòng phẫu thuật, nơi quyết định sinh mệnh của rất nhiều người, sẽ sớm thích ứng và tích hợp các thiết bị, công nghệ hiện đại nhất để trợ giúp cả bác sĩ lẫn người bệnh.

Dù còn nhiều ý kiến trái chiều nhưng mục tiêu của các nỗ lực đổi mới công nghệ y khoa rất rõ ràng: giúp điều trị người bệnh tốt hơn, giúp người bệnh tiếp cận các dịch vụ y tế thuận lợi hơn, rút ngắn thời gian nằm viện và tăng hiệu quả chuyên môn của bác sĩ.


Ảnh minh họa về hình dung phòng phẫu thuật của tương lai - (Ảnh: BRAINLAB).

Trợ lý AI

Theo báo Wall Street Journal, Bệnh viện Mayo Clinic ở Rochester, bang Minnesota đang sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và đưa ra các quyết định trên cơ sở có sự hỗ trợ của máy tính để phân tích các dữ liệu được thu thập trong quá trình phẫu thuật.

Một trong những mục đích của việc áp dụng AI là dự đoán các vấn đề y khoa trước khi chúng có thể xảy ra, bao gồm dự đoán khả năng gây biến chứng sau phẫu thuật cũng như tiên lượng việc người bệnh có thể về nhà và dần bình phục.

Cũng có một số nhà nghiên cứu đang dốc sức tìm tòi cho sáng kiến tập trung vào dữ liệu được biết với tên gọi là "gene chip analysis". Công nghệ này sẽ thu thập thông tin di truyền từ việc xét nghiệm máu của người bệnh và phân tích nó trên cơ sở dữ liệu gồm kết quả của những người khác để dự đoán bệnh nhân sẽ phản ứng thế nào với các loại thuốc và thủ thuật gây mê.

Ở giai đoạn này, dữ liệu về cách thức các bác sĩ phẫu thuật thực hiện công việc của họ ra sao vẫn còn chưa được thu thập nhiều. Tuy nhiên trong những năm tới, với sự hỗ trợ của các cảm biến, camera và máy ghi âm, nhóm dữ liệu sẽ được thu thập nhiều nhất có thể, trong đó có những thông tin như cách êkip mổ trao đổi với nhau, số dụng cụ phẫu thuật được dùng và thậm chí cả những cử động bàn tay của các bác sĩ trong khi đưa lưỡi dao phẫu thuật.

Bệnh viện Northwell Health ở New York đã sử dụng công nghệ này để đào tạo nhân viên và quyết định xem bác sĩ phẫu thuật nào đủ tiêu chuẩn để thực hiện công việc.

Công nghệ in 3D và đèn chiếu

Để lên kế hoạch tốt hơn cho các thủ thuật phức tạp như phẫu thuật tim và não, các chuyên gia y học đang nhờ cậy tới công nghệ in 3D.

Các bác sĩ ở Bệnh viện Cleveland Clinic (bang Ohio, Mỹ) in 3D các mô hình bộ não với các mạch máu não phình lên trước khi tiến hành phẫu thuật thực tế. Mô hình này giúp họ nhìn rõ hình khối của bộ não và mọi vấn đề hiện trạng của nó một cách trực quan và chi tiết hơn nhiều so với hình ảnh 2D.

Giao việc cho robot

Các nhà nghiên cứu tại ĐH Quốc gia Singapore và Tập đoàn Intel đang phát triển một loại giúp robot cũng có xúc giác của nó, cho phép nó phân biệt được giữa mô lành và khối u để cắt bỏ chính xác.

Các bác sĩ cũng dùng những mô hình này để giúp người bệnh hiểu rõ chuyện gì sẽ xảy ra trong khi phẫu thuật. Trong tương lai, một số bác sĩ hi vọng các mô hình in 3-D sẽ còn giống hệt với các bộ phận thực tế, tức là cũng "chảy máu", có những tổn thương và có thể nuôi cấy tế bào.

Hệ thống đèn chiếu trong phòng mổ hầu như không thay đổi trong nhiều thập kỷ qua, bất kể còn những vấn đề tồn tại của nó. Các bệnh viện Mayo Clinic và Zeeland (bang Michigan, Mỹ) đang đặt nhà cung cấp thiết bị điện tử tự động Gentex chế tạo cho họ hệ thống đèn chiếu trên đầu có dùng camera và những thuật toán thị giác máy để thay đổi cường độ cũng như hướng ánh sáng, giảm thiểu độ chói và loại bỏ tình trạng phủ bóng trong phòng phẫu thuật.

Theo đó, mục đích hướng tới cuối cùng là các bác sĩ có thể thiết lập chế độ chiếu sáng tùy theo đặc thù của từng ca phẫu thuật, cũng như người thực hiện phẫu thuật chỉ bằng thao tác đơn giản là tùy chỉnh hệ thống. Chưa kể là hệ thống đèn chiếu trong phòng mổ sẽ được tích hợp tia cực tím để giúp tẩy trùng chỉ qua một đêm.

Cập nhật: 25/09/2020 Theo Tuổi Trẻ
  • 182