Đây là chiếc chăn lông vịt đắt nhất thế giới đó, và lý do bạn sẽ biết ngay sau đây.
Tất nhiên, đó không phải là lông vịt bình thường mà phải là lông vịt nhung làm tổ ở Vòng Bắc Cực (Arctic Circle). Nó nổi tiếng là mềm nhẹ như không, và ấm đến nỗi thách thức cả mức nhiệt độ lạnh lẽo cực đoan nhất của mùa đông vùng cực.
Cứ mỗi tháng 4 hàng năm, Hildegunn Nordum và chồng cô là Erik cùng vài thành viên nữa trong gia đình lại rời Na-Uy để đến Lånan. Đây là hòn đảo nhỏ không người ở, nằm trong hệ thống quần đảo Vega, phía nam Vòng Bắc Cực.
Vịt nhung Somateria mollissima
Lånan cực kỳ bằng phẳng. Nếu chỉ nhìn bề ngoài, nó chẳng có gì đáng để ngắm. Nhưng chính trên hòn đảo đơn điệu ấy lại tồn nguyên liệu để hình thành nên loại chăn độc đáo nhất thế giới - chăn lông vịt nhung.
Vịt nhung (Somateria mollissima) là một loài vịt biển cỡ lớn, có thân dài từ 50-71cm. Chúng sống tại các khu vực ôn đới ở Bắc Âu và Bắc Mỹ, nhưng cứ đến kỳ sinh sản thì lại bay tới Bắc Cực để đẻ, ấp trứng và nuôi con.
Đàn ông Na-Uy làm nghề thu thập lông vịt nhung ở Lånan thường ưu ái gọi những con vịt mái đẻ trứng tại đây là "vợ hai". Không như lông của các loài ngan ngỗng thông thường, lông tơ của vịt nhung, dưới kính hiển vi, chứa vô số những cái móc li ti tương tự như gai dính. Nhờ những cái móc này, nó quấn giữ lấy nhau, tạo nên một lớp "bông" vừa xốp mềm, vừa thoáng khí lại vừa cách điện.
Vịt nhung và lớp lông tơ bọc tổ của chúng.
Trên hết, chúng nhẹ đến nỗi gần như không có trọng lượng. Độ đàn hồi của lông tơ vịt nhung cũng cực kỳ hoàn hảo. Dù có bạn có nén chúng chặt đến thế nào, một khi đã buông tay ra là tấm chăn ấy lại phồng lên như lúc ban đầu. Cũng chính bởi chất lượng hảo hạng cỡ đấy mà chỉ một tấm thôi, nó đã có giá những $15.000, tương đương với khoảng 350 triệu vnđ.
Mỗi một năm, khi tháng 5 vừa sang cũng là lúc vịt nhung từ Bắc Âu và Bắc Mỹ vượt qua biển để lên bờ Lånan. Quanh bờ đảo Lånan là khoảng 1000 hòn đá thô kệch nằm lởm chởm, và các hang hốc trú ẩn được làm bằng gỗ. Nhưng trước khi "vợ hai" nhà vịt đến, các "ông chồng" con người đã chuẩn bị sẵn ổ đẻ cho chúng.
Sau khi đặt chân lên đảo, nhà Nordum liền bắt tay vào dọn dẹp lại khu vực. Họ cũng lần lượt lót cỏ khô cho các ổ vịt cũ. Loài vịt biển cỡ đại ấy có thói quen tái sử dụng tổ, nên năm ngoái đẻ ở đâu thì năm nay lại mò đến đúng chỗ đó mà nằm ổ.
Vịt mẹ bứt lông tơ trên ngực xuống bao bọc trứng.
Nằm trên tổ, vịt mẹ tỉ mẩn bứt từng sợi lông tơ quý giá trên ngực của nó xuống. Với mớ lông êm ấm ấy, nó bao bọc những quả trứng đáng yêu.
Thời gian ấp trứng của vịt nhung kéo dài chừng gần một tháng. Mỗi ngày, "người chăn vịt" đáo qua thăm tổ 2 lần. Họ cố gắng đi lại nhẹ nhàng, vừa trông chừng các tổ vịt, vừa xua đuổi đám mỏng biển chầu chực ăn cắp trứng. Chỉ khi trứng nở và vịt con theo mẹ rời đi, người ta mới bắt đầu thu gom lông vịt trên những cái tổ bị bỏ lại.
Thu hoạch lông vịt nhung.
Ngày nay đã có máy móc thích hợp để bóc tách lông vịt nhung, nhưng những "người chăn vịt" của Lånan vẫn thích làm sạch theo phương pháp thủ công truyền thống.
"Chúng tôi muốn tự tay làm mọi công đoạn vì sợ rằng máy móc sẽ làm hỏng các cái móc trên sợi lông tơ và khiến tấm chăn trở nên kém chất lượng" - Nordum giải thích.
Gối lông vịt nhung cực mềm mại.
"Đó là một công việc hết sức cầu kỳ" - bà khẳng định thêm. Chỉ để làm sạch 1kg lông vịt nhung thường thôi cũng mất tới 3 tuần. Và cũng phải góp nhặt chừng 65 cái tổ mới có được 1kg lông ấy.
Mùa hè vừa qua hết cũng là lúc nhà Nordum hoàn thành công việc. Với tất cả lông vịt thu thập và tỉ mẩn làm sạch, họ kết được chừng một tá chăn lông vũ sang trọng mới. Chính bởi vì số lượng có hạn trong khi chất lượng lại tốt khỏi bàn, mà chăn lông vịt nhung thường mới đắt hàng chục ngàn dollar.