Bản đồ phương Tây cổ nhất

  •  
  • 663

Các nhà khoa học đã tìm thấy một mảnh đất nung màu đen to bằng con tem, miêu tả phần gót ủng của quốc gia Italy. Nó được gọi là bản đồ Soleto và có từ năm 500 trước Công nguyên.

Bản đồ miêu tả bán đảo Saletine ở Puglia được tìm thấy 2 năm trước trong một cuộc khai quật do nhà khảo cổ người Bỉ Thierry van Compernolle thuộc Đại học Montpellier dẫn đầu. Tuy nhiên, phát hiện được giữ kín để các nhà nghiên cứu chứng thực nó là thực. "Đến nay đây là bản đồ địa lý cổ nhất từng được phát hiện", Compernolle tuyên bố.

Được trưng bày lần đầu tiên vào cuối tuần trước tại Bảo tàng khảo cổ quốc gia ở Taranto, Italy, mảnh gốm vỡ được khắc bằng chữ Hy Lạp và một ngôn ngữ địa phương gọi là Messapia.

"Bản đồ độc đáo ở nhiều chỗ. Nó miêu tả đường bờ biển tạo nên một khoảng không rất dễ nhận ra: mỏm phía nam của bán đảo Salentine, vào thời cổ gọi là Iapygia", Mario Lombardo, giáo sư lịch sử tại Đại học Lecce, giải thích.

Biển Ionian và Adriatic ở phía bên kia của bán đảo được miêu tả bằng những đường zig-zag song song. Ở phía Tây là nước Hy Lạp dễ nhận ra được viết bằng tên Taras.

Tổng cộng, bản đồ miêu tả 13 thị trấn, được đánh dấu bằng các chấm, giống như trên bản đồ ngày nay. Rất nhiều trong các thị trấn đó, như Otranto, Soleto, Ugento, Tarnto và Leuca, đến nay vẫn còn tồn tại.

Nhà nghiên cứu Lombardo tin rằng có hơn một bàn tay tạo nên bản đồ này. "Chúng tôi có thể phân biệt có địa điểm được viết bằng chữ thường và kiểu cách, trong khi chỗ khác được viết bằng ký hiệu địa lý và không đồng nhất", Lombardo nói.

Theo học giả Antonietta Dell'Aglio, bản đồ Soleto chứng thực mối quan hệ quan trọng giữa các bộ tộc Messapia và nền văn hoá Hy Lạp.

M.T

Theo VnExpress
  • 663