Ung thư xương ác tính được phát hiện có từ loài rùa Kỷ Trias

  •   52
  • 698

Ung thư là căn bệnh từng được tìm thấy trong hóa thạch khủng long, xác ướp Ai Cập và hiện là loài rùa già nhất được biết đến từ Kỷ Trias.

Nghiên cứu về những căn bệnh chết người như vậy trong thời cổ đại có ý nghĩa quan trọng đối với cách chúng ta hiểu về sự tiến hóa của mầm bệnh và môi trường xung quanh tác động như thế nào.

Các nghiên cứu về cổ sinh vật học rất hiếm thấy bệnh ung thư ác tính, làm cho phát hiện mới trở thành một thông tin thực sự hiếm hoi.

Qua nhiều năm, các nhà khoa học đã nhận thấy một số động vật có xu hướng mắc bệnh ung thư cao trong khi những loài khác dường như ít bị ảnh hưởng hơn.

Loài rùa cổ đại được phát hiện đã từng bị u xương ác tính.
Loài rùa cổ đại được phát hiện đã từng bị u xương ác tính.

Thật không may, có vẻ như loài rùa cổ đại có khả năng mắc căn bệnh này nhiều hơn. Các nhà cổ sinh vật học và bác sĩ từ ba quốc gia đã sử dụng phương pháp kiểm tra hình thái và quét CT để chẩn đoán bệnh của loài rùa 240 triệu năm tuổi (Pappochelys rosinae) được cho bị ung thư xương.

Loài rùa cổ đại này có ngoại hình trông giống với một con kỳ nhông, lần đầu tiên được thu thập mẫu hoá thạch vào năm 2013 tại một khu vực từng là một hồ nước cổ ở phía tây nam nước Đức.

Sau khi phát hiện ra, nó đã được mô tả như là một mắt xích bị mất tích có thể có trong sự tiến hóa của rùa, một loài chưa có mai giống như loài rùa mà chúng ta thấy trên rùa ngày nay.

Đối với nghiên cứu hiện tại, được công bố trên tạp chí JAMA Oncology, nhóm nghiên cứu đã kiểm tra phần xương đùi của hoá thạch và chẩn đoán nó là căn bệnh u nguyên bào xương, một dạng ung thư xương ác tính.

Nghiên cứu cho thấy sự tăng trưởng tế bào không kiểm soát được xảy ra ngay từ thời Kỷ Trias và ung thư không phải là một khiếm khuyết sinh lý hiện đại mà là một lỗ hổng bắt nguồn từ sâu trong lịch sử tiến hóa của động vật có xương sống.

Việc loài này có trải qua các loại ung thư khác hay không vẫn chưa có căn cứ, chủ yếu là do vấn đề các mô mềm không bảo quản tốt trong hồ sơ hóa thạch, điều đó có nghĩa là các nhà cổ sinh vật học bị giới hạn trong phần còn lại của hàng triệu năm sau.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu không thể nói liệu loài rùa từ Kỷ Trias này có cùng loại gene gây ung thư như con người hay liệu nó có chết vì căn bệnh này hay không.

“Phát hiện của chúng tôi cung cấp thêm bằng chứng cho thấy ung thư không bị giới hạn trong sinh lý học hiện đại của con người. Thay vào đó, tính mẫn cảm với căn bệnh này bắt nguồn từ lịch sử tiến hóa của động vật có xương sống, hàng trăm triệu năm trước nguồn gốc của con người”, ông Yara Haridy, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.

Cập nhật: 10/02/2019 Theo Dân Trí
  • 52
  • 698