Phát hiện hóa thạch loài khủng long ăn thịt mới ở Nam Mỹ

  •  
  • 3.440

Hóa thạch của một loài khủng long ăn thịt có kích thước bằng loài sư tử, chuyên ăn thịt các loài nhỏ con hơn nó, đã được phát hiện tại một rặng thung lũng núi lửa ở Venezuela.

Các nhà nghiên cứu nhận định phát hiện này sẽ giúp họ hiểu rõ hơn về sự tiến hóa của các loài khủng long ăn thịt.

Hóa thạch của loài khủng long Tachiraptor admirabilis được khai quật tại vùng cực bắc của dãy Andes, hay vùng biên giới phía tây của Venezuela. Tuy chỉ tìm thấy xương ống chân và một phần xương chậu, nhưng như vậy cũng đủ để các nhà khoa học xác định kích thước của loài khủng long này. So với những họ hàng to lớn về sau, chúng tương đối nhỏ với độ dài thân chỉ khoảng 1,5-2m.

Đây là hóa thạch khủng long ăn thịt đầu tiên được khai quật ở Venezuela. Theo tác giả chính của nghiên cứu, Max Langer, một nhà cổ sinh học chuyên về các loài có xương sống thuộc Đại học Sao Paulo (Brazil), tên của loài Tachiraptor admirabilis được ghép từ ba từ: Táchira, tên một bang ở Venezuela nơi phát hiện hóa thạch; raptor, tiếng Latin có nghĩa là "kẻ cắp" và admirabilis, lấy từ "Chiến dịch Thần diệu" (Admirable Campaign) của nhà cách mạng Simón Bolívar nhằm giải phóng Venezuela khỏi ách thống trị của Tây Ban Nha, cũng là chiến dịch mà thị trấn La Grita gần nơi phát hiện hóa thạch đóng vai trò chiến lược.

Những mảnh xương hóa thạch này đã có tuổi thọ khoảng 200 triệu năm, nghĩa là loài khủng long này đã sống trong thời gian đầu của kỷ Jura, khi các loài khủng long dần chiếm vị trí thống trị địa cầu.

Phát hiện hóa thạch loài khủng long ăn thịt mới ở Nam Mỹ
Khủng long Tachiraptor admirabilis. (Nguồn: LiveScience)

Khi loài Tachiraptor vẫn còn sống trên Trái Đất, Venezuela là một phần của siêu lục địa Pangaea, tập hợp của tất cả các châu lục trên thế giới trước khi diễn ra trôi dạt lục địa. Tại thời điểm đó, Pangaea đã bắt đầu quá trình chia tách, và thung lũng nơi phát hiện hóa thạch từng có một dòng sông chảy quanh co giữa những vạt rừng, cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động núi lửa.

Hầu như không có xương hóa thạch của loài khủng long nào được phát hiện ở Nam Mỹ. Trường hợp duy nhất là loài khủng long ăn cỏ Laquintasaura venezuelae chạy bằng 2 chân và có kích thước chỉ bằng loài cáo. Đây có thể chính là con mồi của Tachiraptor, vì theo nhà nghiên cứu Langer, Tachiraptor ăn bất cứ con mồi nào chúng săn được, từ khủng long nhỏ tới các loài có xương sống nhỏ hơn chúng như thằn lằn.

Các loài khủng long săn mồi, bao gồm cả khủng long Tyrannosaurs và tổ tiên loài chim thường được xếp vào nhóm Averostra. Tuy nhiên sau khi phân tích xương ống chân của Tachiraptor, các nhà khoa học cho rằng chúng thuộc về một nhóm họ hàng của Averostra. Phát hiện này cũng mở ra khả năng rằng dải xích đạo đi ngang qua siêu lục địa Pangaea đóng vai trò chủ chốt trong sự tiến hóa của khủng long ăn thịt.

"Pangaea có hình dạng tương tự một chiếc boomerang, và loài Tachiraptor tới từ vùng ấm hơn tính từ xích đạo, tức là bao gồm vùng phía bắc của Nam Mỹ, phía nam của Bắc Mỹ và châu Phi", Langer nhận định.

Các nhà nghiên cứu dự định sẽ quay lại Venezuela để tìm thêm các mẫu xương hóa thạch, cũng như đào bới các lớp đất đá cùng niên đại ở Tanzania và Brazil để tìm hiểu thêm về sự phân bố của các loài khủng long trên toàn cầu.

Loài khủng long đã xuất hiện cách đây khoảng 230 triệu năm, vào cuối kỷ Trias, nhưng thời đại của chúng chỉ thực sự bắt đầu sau khi sự kiện tuyệt chủng hàng loạt diễn ra vào cuối kỷ Trias tiêu diệt hàng loạt các nhóm bò sát có khả năng trở thành mối đe dọa với chúng cũng như ít nhất một nửa số sinh vật sống trên Trái Đất. Nhưng sau đó, loài khủng long cũng tuyệt diệt bởi sự kiện tuyệt chủng diễn ra vào cuối kỷ Creta cách đây khoảng 67 triệu năm.

Theo Vietnam+
  • 3.440