Bão bụi khổng lồ chấm dứt mùa đông phía nam sao Hỏa

  •  
  • 529

Trận bão bụi lịch sử năm 2018 "nuốt chửng" hành tinh đỏ, phá hủy các xoáy khí lạnh và đưa mùa xuân tới sớm ở nam bán cầu.


 (Video: NASA/JPL-Caltech/MSSS).

Tháng 6/2018, nhiều cơn bão bụi nhỏ hợp lại thành một trận bão khổng lồ bao trùm toàn bộ sao Hỏa, che khuất bề mặt hành tinh đỏ khỏi tầm quan sát của các tàu vũ trụ trên quỹ đạo. Hiện tượng này cũng "giết chết" robot Opportunity của NASA khi các tấm pin mặt trời không thể nhận năng lượng do bụi che phủ. Nghiên cứu mới cho thấy cơn bão thậm chí còn ảnh hưởng đến mùa trên sao Hỏa, khiến mùa đông phía nam đột ngột kết thúc sớm, Cnet hôm 24/7 đưa tin.

"Đây là cơ hội tuyệt vời để tìm hiểu xem bão bụi bao trùm toàn hành tinh ảnh hưởng như thế nào đến khí quyển ở các cực sao Hỏa, nơi có những luồng gió mạnh thổi quanh vào mùa đông", Paul Streeter, chuyên gia tại Đại học Open (Anh), cho biết.

Streeter cùng đồng nghiệp tại Đại học Open, NASA, Viện Hàn lâm Khoa học Nga xem xét dữ liệu từ các tàu quỹ đạo sao Hỏa và mô hình khí hậu của hành tinh đỏ để nghiên cứu ảnh hưởng của cơn bão đến khí quyển. Họ phát hiện, nó gây ra những tác động khác nhau ở bán cầu bắc và bán cầu nam.

Biến đổi của sao Hỏa từ ngày 28/5 (trái) đến ngày 1/7 (phải) trong cơn bão bụi năm 2018.
Biến đổi của sao Hỏa từ ngày 28/5 (trái) đến ngày 1/7 (phải) trong cơn bão bụi năm 2018.

Cơn bão đẩy nhiều bụi về phía nam hơn, phá hủy xoáy khí lạnh và đưa mùa xuân tới sớm. Trong khi đó, bán cầu bắc không chịu ảnh hưởng nhiều, các mùa tại đây vẫn diễn ra bình thường.

Streeter trình bày phát hiện mới tại hội nghị ảo của Hội Thiên văn Hoàng gia Anh diễn ra hôm 23/7. Ông cho rằng việc tiếp tục nghiên cứu kỹ những cơn bão bụi sao Hỏa như hiện tượng năm 2018 rất hữu ích. "Điều đó mang lại thông tin về quá trình bụi lắng đọng ở cực bắc, cực nam và giúp chúng ta hiểu thêm về lịch sử khí hậu của hành tinh đỏ", ông nói.

Cập nhật: 28/07/2021 Theo VnExpress
  • 529