Bão số 5 ngoằn ngoèo, tàu thuyền dễ lâm nguy

  •  
  • 420

Hướng đi của bão số 5 (bão Lekima) đang rất phức tạp; các đài khí tượng thuỷ văn đưa ra nhiều dự báo khác nhau với sai số lớn. Ban chỉ đạo PCLB chiều qua (30/9) cảnh báo, 48 tàu với 950 ngư dân đang ở vùng biển thuộc đảo Trường Sa, Hoàng Sa có thể gặp nguy hiểm.

Dự báo hướng di chuyển của bão số 5 hiện rất khác nhau giữa các đài khí tượng thuỷ văn (KTTV) Nhật Bản, Hongkong và Hải quân Mỹ.

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV TƯ, cho biết, cơ quan KTTV Nhật Bản dự báo bão số 5 sẽ tiến thẳng lên phía Bắc, vào bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), trong khi phía Hongkong cho rằng bão sẽ đi vào phía nam đảo Hải Nam. Sai số về vị trí tâm bão của hai dự báo này lên tới 450km. Đài KTTV của Hải quân Mỹ lại dự báo, đường đi của bão số 5 là Tây Bắc và Tây Tây Bắc, tiếp cận giữa đảo Hải Nam.

Dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV TƯ thì bão số 5 nằm giữa so với dự báo của Nhật Bản và Hongkong.

Theo ông Tăng, bão đang di chuyển theo hướng Tây, chiều tối qua (29/9) chuyển hướng Tây Nam và di chuyển rất nhanh, từ 20-25 km/h. Trong vòng 24 đến 48 giờ tới, bão sẽ mạnh lên và di chuyển theo hướng Tây, sau đó chếch lên hướng Tây Tây Bắc với tốc độ chậm dần (10-15km/h). Đến sáng mai (1/10), bão sẽ gây gió mạnh cấp 9-10 ở khu vực phía bắc biển Đông.

Trung tâm Dự báo KTTV TƯ dự báo, khả năng bão số 5 đi qua đảo Hải Nam rồi vào Việt Nam là 60%, khả năng vào Lôi Châu là 40%. Bắt đầu từ 3/10, các tỉnh Bắc Trung Bộ sẽ có mưa lớn. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Công Thành nói thêm, bão số 5 hiện vẫn di chuyển theo hướng Tây và Tây Tây Nam, những có khả năng ngoặt lên phía Tây Bắc và mạnh lên tới cấp 11.

Bão số 5 có thể bẻ ngoặt vào vùng biển Việt Nam (Ảnh Đài KTTV Hongkong).

Cảnh giác với một cơn bão Chanchu thứ hai

Tại cuộc họp, Ban chỉ đạo PCLB TƯ xác định, việc cấp thiết hiện nay là có phương án để đảm bảo an toàn cho hàng nghìn tàu thuyền và ngư dân trên biển.

Trung tướng Nguyễn Đức Soát - Phó Tổng tham mưu trưởng, Phó Chủ tịch UB quốc gia TKCN lo lắng, đường đi của cơn bão này là rất phức tạp. Diễn biến đường đi của cơn bão rất giống bão Chanchu, cần phải cân nhắc kỹ trong việc xác định vùng nguy hiểm để cảnh báo tàu thuyền. Vùng nguy hiểm này, nếu được xác định là từ 14 vĩ độ Bắc trở lên thì ở vùng biển phía Nam, gió mùa Tây Nam cũng đang hoành hành nên bà con ngư dân cũng cần hết sức cảnh giác.

Ông nhắc nhở, cần theo dõi sát sao việc dự báo để cảnh báo tàu thuyền tìm nơi trú ẩn nhanh chóng, thuận lợi nhất.

Thống kê từ Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, tính đến 15h chiều nay, có tổng số 8.976 tàu/ 63.520 ngư dân đang hoạt động trên biển. Trong đó, cần hết sức lưu ý 172 tàu/2.582 ngư dân - hiện ở vùng biển bắc biển Đông - khu vực rất nguy hiểm của bão, đang hành nghề câu ngừ, câu mực đại dương. Đặc biệt, có 11 tàu của ngư dân huyện Núi Thành (Quảng Nam) trong số 172 tàu trên chưa liên lạc được để nắm số người trên tàu.


Đường di chuyển cơn bão số 5 (Ảnh: tsr.mssl.ucl.ac.uk)

Đối với ngư dân hoạt động tại Trường Sa thì có thể lên đảo tránh bão. Riêng 48 tàu/950 ngư dân đang ở khu vực Trung Sa và Hoàng Sa đang trong vùng nguy hiểm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đề nghị Bộ Ngoại giao có ngay công hàm đề nghị các nước bạn giúp ngư dân Việt Nam được lên bờ tránh bão.

Bộ trưởng NN-PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo PCLB TƯ Cao Đức Phát cho rằng, bão số 5 đang diễn biến rất phức tạp, có thể tạo nên những tình huống nguy hiểm cho tàu thuyền, đặc biệt là 48 tàu ở vùng biển Trường Sa và Hoàng Sa. Vì vậy, ba tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi phải tìm mọi cách liên lạc được với số tàu này để thông báo kịp thời cho ngư dân về hướng đi của cơn bão.

Để cảnh báo tàu thuyền tránh bão số 5, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng xác định vùng nguy hiểm là từ 14 vĩ độ bắc trở lên. Tàu thuyền đang ở gần bờ thì nhanh chóng vào bờ, những tàu ở xa thì nhanh chóng vào tránh bão tại các đảo gần nhất. Trên bờ, cần triển khai các phương án phòng chống lũ quét, sạt lở đất khi bão vào. Kết hợp với bão sẽ có mưa lớn nên các tỉnh trong vùng ảnh hưởng phải nhanh chóng thu hoạch lúa mùa, có phương án bảo về cây vụ đông. Ngay sau cuộc họp, Ban chỉ đạo PCLB TƯ sẽ có công điện chỉ đạo việc phòng chống bão số 5.

Đà Nẵng: Còn 28 tàu trên vùng nguy hiểm

Gia đình các chủ phương tiện sử dụng máy Icom tại nhà thông báo tình hình bão số 5 cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển (Ảnh: HC)

Ban Chỉ huy PCLB và Tìm kiếm cứu nạn Đà Nẵng cho hay, tính đến chiều 30/9, toàn TP vẫn còn 234 tàu với 1.782 lao động đang hoạt động đánh bắt trên biển trong đó có 28 tàu/468 lao động đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong đó, đáng lưu ý nhất là 15 tàu với 154 lao động đang hành nghề câu mực ở khu vực quần đảo Hoàng Sa; và 13 tàu với 314 lao động hành nghề câu mực ở quần đảo Trường Sa.

Hiện toàn bộ 15 tàu ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã nhận được thông tin về bão số 5 và quyết định rời ngư trường để chạy vào đất liền tránh bão. 13 tàu ở khu vực quần đảo Trường Sa cũng đang tìm cách tránh bão. Ngoài ra còn có 206 tàu với 1.314 lao động làm nghề lưới vây, lưới cản... trên vùng biển từ Quảng Bình đến Đà Nẵng cũng đã nhận được thông tin về cơn bão số 5.

Trước đó, chiều 29/9 và sáng 30/9, Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng đã tổ chức bắn pháo hiệu báo bão; sử dụng 5 máy Icom của BĐBP, đồng thời yêu cầu gia đình các chủ phương tiện sử dụng máy Icom tại nhà liên lạc với tất cả các tàu thuyền đang hoạt động trên biển, thông báo hướng di chuyển của bão số 5 trên biển Đông để tàu thuyền chủ động tìm nới trú ẩn an toàn.

Ngoài ra, Ban chỉ huy PCLB và Tìm kiếm cứu nạn Đà Nẵng phối hợp với các lực lượng chức năng cũng tổ chức kêu gọi và nghiêm cấm tàu thuyền không được ra khơi. UBND TP Đà Nẵng đã ra công điện khẩn, yêu cầu các quận, huyện, ban, ngành, chủ đầu tư các công trình trọng điểm phải túc trực 24/24 để phòng chống kịp thời khi bão đổ vào đất liền.

H.P - Hải Châu

Theo Vietnamnet
  • 420