Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, khả năng trưa và chiều ngày 30/9 bão số 7 sẽ vào khu vực Hà Tĩnh - Quảng Bình. Thế nhưng, vào hồi 10h sáng nay, bão số 7 với sức gió mạnh cấp 9 đã trực tiếp đổ bộ vào địa bàn này khiến người dân không kịp trở tay.
Không biết tin, học sinh vẫn đội bão đi học
Tại Hà Tĩnh đêm 29, sáng 30 mưa to trên diện rộng đã khiến cho nhiều đoạn đường tỉnh lộ ngập nước gây cản trở giao thông. Sức gió đo được vào lúc 8h sáng 30/9 tại TP Hà Tĩnh mạnh cấp 8, tại Kỳ Anh mạnh trên cấp 8. Việc dự báo bão sai thời gian khiến người dân và các cơ quan tổ chức phòng chống bão phản ứng không kịp trước tình hình của bão.
Sáng ngày 30, khi mưa lớn đã gây ngập lụt tại Hà Tĩnh nhưng các em học sinh vẫn đi học bình thường, khi đến nơi mới được thông báo cho nghỉ học và trở về nhà trong điều kiện thời tiết nguy hiểm.
Các em học sinh vẫn đi học vì không biết tin bão. (Ảnh: Duy Tuấn) |
Ông Lê Đình Sơn - Phó ban Phòng chống lụt bão Hà Tĩnh cho biết: "Chiều ngày 30/9 tỉnh mới chính thức cho học sinh nghỉ học để phòng tránh bão. Thực tế bão đã vào sớm hơn dự kiến nên các trường đã chủ động cho học sinh nghỉ học".
Chị Lê Thị Thanh hết sức bất bình khi đón con đến trường: "Sáng ra tôi đưa cháu đến lớp thấy mưa gió to quá nên gọi điện cho cô giáo mới biết là được nghỉ học".
Không chỉ học sinh mà nhiều người dân cũng không kịp chống bão đành để cho gió cuốn hết cửa kính, mái hiên.
Trên các vùng biển, nhiều tàu vẫn đang hoạt động và không kịp vào bờ. đáng chú ý là đã có 2 tàu bị chìm. Trong đó có tàu của ông Nguyễn Văn Chắt (Thạch Kim - Lộc Hà) hiện vẫn chưa liên lạc được.
Thông tin từ lực lượng biên phòng Hà Tĩnh, trước khi bão đổ bộ vào bờ biển Hà Tĩnh vẫn còn có 30 thuyền với 171 thuyền nhân đang hoạt động trên biển, trong đó có 5 thuyền với 29 người hoạt động trên vùng biển Bạch Long Vĩ, gần vùng biển Nghệ An, Hà Tĩnh..
Theo thông tin ban đầu, bão số 7 đã làm 2 thuyền bị chìm, trong đó một thuyền của ngư dân bị chìm ngoài khu vực kiểm soát. Trên thuyền có khoảng 5 - 6 thuyền viên và hiện vẫn chưa rõ thông tin.
Tại vùng biển cách đèo ngang 4 hải lý, tàu Phú Hưng 16 trên đường cập vào Đà Nẵng đã bị sóng đánh chìm. 10 thuyền viên đã phải dùng phao cứu sinh để bơi vào bờ. Hiện cả 10 người vào bờ an toàn tại bãi biển Kỳ Phương - Kỳ Anh.
Quảng Trị: 5 người mất tích do bão số 7
Tính đến 9h ngày 30/9, do ảnh hưởng của cơn bão số 7, ở Quảng Trị có 5 ngư dân mất tích, nhiều tàu đánh cá bị trôi dạt ra biển. Thiệt hại nặng nhất là ở đảo Cồn Cỏ.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 7, từ đêm 29 đến rạng sáng 30/09, ở Quảng Trị có mưa to và rất to. Lượng mưa trên địa bàn Quảng Trị đo được tại các trạm phổ biến từ 80 – 150 mm, một số trạm cao như Hiền Lương: 160 mm, Cửa Việt: 214 mm.
Doọn dẹp sau bão ở thị xã Đông Hà. (Ảnh: Hoàng Táo) |
Bộ đội biên phòng Quảng Trị đã kêu gọi 51 phương tiện với 400 ngư dân vào bờ trú ẩn an toàn. Bằng mọi cách thức đã liên lạc, hướng dẫn 15 tàu thuyền (151 thuyền viên) của Quảng Trị vào tránh bão ở các tỉnh gần nơi đang đánh bắt. Hiện có 6 tàu khác đang trên đường vào nơi neo đậu nhờ sự hướng dẫn qua tần số VHF 792200 USB của Biên phòng tỉnh.
Đến 9h ngày 30/09, có 3 tàu 40 CV ở xã Vĩnh Quang, Vĩnh Linh bị đắm, 2 chiếc khác bị trôi. Tại lạch Cửa Tùng, tàu QB 2229 (có 7 thuyền viên trên tàu) do ông Hồ Văn Quân làm chủ đã bị đứt dây neo trôi ra cửa sông làm 5 người mất tích là hai cha con ông Võ Văn Giãi và Võ Văn Diễm (ngư dân xã Vĩnh Quang, Vĩnh Linh) cùng 3 người khác.
Tại đảo Cồn Cỏ, gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 làm tốc mái nhà kho quân đội và một số trụ sở, nhà dân khác, hệ thống điện bị đứt, gãy, cây cối gãy đổ nhiều. Tại âu thuyền đảo Cồn Cỏ, có 2 tàu của Đà Nẵng vào trú ẩn đã bị đứt dây trôi vào âu, tàu của đồn Biên phòng 214 ở đảo Cồn Cỏ bị nước vào có khả năng chìm.
Tin từ Văn phòng huyện đảo Cồn Cỏ tại thị xã Đông Hà, lúc 9h ngày 30/9, thông tin liên lạc với đảo Cồn Cỏ đã tạm thời bị cắt đứt. Chúng tôi đã cố gắng liên lạc với Trung tâm khí tượng Thuỷ văn đảo Cồn Cỏ, Văn phòng đảo Cồn Cỏ qua số điện thoại bàn và di động nhưng không thể.
Bão số 7: 2 tàu bị chìm trên khu vực biên Hà Tĩnh
Hình ảnh "bão" ghé qua Hà Tĩnh. (Ảnh: Duy Tuấn) |
Vẫn còn tàu thuyền gặp nguy hiểm
Sáng 30/9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp chỉ đạo đối phó với cơn bão số 7. Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn phối hợp với các lực lượng và địa phương tiếp tục cứu hộ, cứu nạn các tàu thuyền trên biển, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng thông báo cho chủ phương tiện tàu thuyền trên biển biết tin về cơn bão đang hoạt động ở Philippines có khả năng đi vào biển đông để chủ động phòng tránh.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh chỉ đạo việc sơ tán dân cư vùng thấp ven biển, cửa sông và nơi có nguy cơ xảy ra mưa lũ lớn. Ngay trong sáng 30/9, Bộ NN&PTNT cử các đoàn công tác đi phối hợp với các địa phương chỉ đạo công tác đối phó với bão, lũ ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cử đoàn công tác đi Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Theo báo cáo của Bộ Tham mưu Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng, tính đến 6h sáng 30/9, lực lượng biên phòng tuyến biển đã phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình các chủ tàu nắm thông tin và thông báo được cho 8.837 tàu/55.056 ngư dân đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng, tránh.
Hiện Quảng Trị có 6 tàu đang di chuyển vào biển Đà Nẵng để tránh bão, các tàu khác đã vào bờ và thoát ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão; Thanh Hóa còn 2 tàu/16 lao động chưa liên lạc được; Quảng Bình hiện còn 3 tàu chưa vào được.
Tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, toàn bộ tàu thuyền đã liên lạc được.
Đường đi cơn bão MEKHALA (Ảnh: Tropicalstormrisk.com)