Bầu trời Trái đất bùng sáng khắp nơi vì "vụ nổ kép" kỷ lục

  •  
  • 496

Cú tung đòn mới nhất của Mặt trời vào Trái đất cho thấy nó đã chạm tới "điểm rực lửa" trong chu kỳ.

Cơn bão địa từ mạnh nhất trong hơn 6 năm, xảy ra sau khi một vụ phun trào từ ngọn lửa lớp X kép cực hiếm làm xáo trộn từ trường Trái đất là lời giải thích cho một loạt "hiện tượng lạ" được báo cáo từ Úc, New Zealand, Mỹ vào cuối tuần qua.

Sự kiện đã chiếu sáng bầu trời ở nhiều nơi bằng cực quang rực rỡ cùng các hiện tượng phát sáng khác.

Mặt trời có thể sắp đạt tới "điểm rực lửa" trong chu kỳ 11 năm
Mặt trời có thể sắp đạt tới "điểm rực lửa" trong chu kỳ 11 năm - (Ảnh đồ họa).

Theo Live Science, sự kiện bùng nổ này là một dấu hiệu rõ ràng khác cho thấy Mặt trời có thể đã chạm tới điểm rực lửa trong chu kỳ 11 năm, gọi là "cực đại Mặt trời".

Trong vài tháng tới, Trái đất có thể nằm trong tầm bắn của nhiều ngọn lửa, cầu lửa từ Mặt trời hơn.

Theo Spaceweather.com, ngọn lửa Mặt trời cấp X có cường độ lên tới 1,1 là ngọn lửa lớn nhất mà ngôi sao mẹ của chúng ta có thể tạo ra, bắt đầu bùng lên ở Mặt trời từ ngày 23-3.

Sự kiện càng bất thường vì ngọn lửa này đã tạo ra 2 vụ nổ đồng thời giáng vào từ quyển Trái đất, một hiện tượng hiếm gọi là "ngọn lửa Mặt trời giao cảm", phun ra bởi cặp vết đen Mặt trời AR3614 và AR3615 nằm cách nhau hàng ngàn dặm.

Vụ nổ kép có kèm cầu lửa (tức "vụ phóng đối tượng đăng quang - CME) đã cho phép bức xạ Mặt trời xâm nhập sâu hơn vào khí quyển so với bình thường. Đó chính là nguyên nhân của hiện tượng cực quang bất thường ở nhiều vùng của Úc và New Zealand, cũng như dải sáng tím STEVE gần giống cực quang (hay còn gọi là sự tăng cường tốc độ phát xạ nhiệt mạnh) ở Alaska - Mỹ.

Theo Trung tâm Dự báo thời tiết không gian thuộc Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA), cơn bão địa từ do ngọn lửa cấp X này tạo ra đã đạt mức G4, là dạng bão địa từ cực mạnh chỉ xếp sau loại G5.

NOAA cũng cho rằng tính chất bất thường của vụ nổ kép lẫn ngọn lửa quá mạnh này là dấu hiệu cho thấy Mặt trời đã sắp đạt đến điểm cực đại.

Bão địa từ thường khó cảm nhận trực tiếp, tuy nhiên hệ thống vô tuyến, định vị, thông tin liên lạc, các hoạt động phóng vệ tinh... của con người có thể gặp gián đoạn bởi những cơn bão địa từ quá mạnh. Do đó, việc theo dõi thời tiết không gian luôn được chú trọng.

Cập nhật: 26/03/2024 NLĐ
  • 496