Bể lọc nước bằng cây thủy trúc dự thi quốc tế

  •  
  • 3.851

Từ 19 đến 26-8 sắp tới, ba học sinh lớp 12 chuyên sinh - Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội là Nguyễn Thị Tuyết Trinh, Nguyễn Văn Thịnh và Nguyễn Đăng Phúc Long sẽ đại diện cho học sinh VN tham dự vòng chung kết cuộc thi quốc tế về nguồn nước tại Thuỵ Điển.

Ba học sinh VN sẽ phải tranh tài cùng 62 học sinh đến từ 29 quốc gia. Giải thưởng của cuộc thi là 5.000 USD và một quả cầu pha lê hình giọt nước. Đây là một giải thưởng được ví như giải thưởng Nobel dành cho lứa tuổi học sinh.

Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với các em.

* Làm thế nào mà các em được lựa chọn tham dự cuộc thi quốc tế tại Thụy Điển?

Giải thưởng quốc tế Stockholm về nguồn nước dành cho lứa tuổi học sinh được thành lập bởi Quỹ Stockholm (SWF) và là một bộ phận của Giải thưởng Stockholm về nguồn nước thế giới được tổ chức từ năm 1994 tại Thuỵ Điển.

Từ năm 1997, giải thưởng này đã được mở rộng và ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới tham gia. Đây là lần thứ ba học sinh VN tham dự cuộc thi này.

- Khi đọc báo thấy có cuộc thi quốc gia cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước lần thứ ba do Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường VN, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Báo Khoa học và Đời sống... tổ chức chúng em đã rủ nhau tham gia. Chúng em đã phải suy nghĩ, bàn bạc rất nhiều để tìm ra đề tài: "Cải tiến bể lọc nước truyền thống bằng cách sử dụng cây thủy trúc kết hợp với chất flocculant ở quy mô gia đình".

Rất bất ngờ, đề tài của chúng em đã đoạt giải nhất tại cuộc thi và may mắn hơn là chúng em được vinh dự mang đề tài này tham dự vòng chung kết cuộc thi quốc tế Giải thưởng Stockholm về nguồn nước tại Thuỵ Điển.

* Đề tài mà các em thực hiện có những ưu điểm gì?

- Bể lọc nước mà chúng em nghiên cứu sử dụng bằng các phương pháp sinh học, hoá học và vật lý. Hệ thống bể lọc có hai bình. Bể lọc thứ nhất dùng phương pháp sinh học là trồng cây thủy trúc, đây là sáng kiến riêng của chúng em trong việc dùng thực vật để lọc nước. Bể lọc thứ hai là bể lọc bằng cát, sỏi, than hoa và chất hoá học flocculant. Ưu điểm nổi bật của bể lọc này là giá thành rẻ, nguyên liệu sẵn có, dễ lắp đặt... phù hợp với vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

* Chất lượng nước qua bể lọc này có đảm bảo là nước sạch và có thể dùng sinh hoạt được không?

- Nước sau khi lọc hoàn toàn đảm bảo chất lượng. Chúng em đã lấy mẫu nước sau khi lọc qua hệ thống bể lọc đi xét nghiệm tại Viện Hóa học đã cho thấy hàm lượng Fe trong nước trước khi lọc là 8,9mg/l, sau lọc chỉ còn 0,5mg/l đạt tiêu chuẩn VN và được phép sử dụng rộng rãi trong các hộ gia đình.

* Dùng cây thủy trúc để lọc nước là sáng kiến mới của các em, nhưng liệu có kéo theo sự phát triển của hệ sinh vật, động vật khác làm ô nhiễm nguồn nước?

- Do thời gian nghiên cứu không nhiều nên chúng em cũng chưa có điều kiện tìm hiểu rõ hệ sinh vật, động vật khác kèm theo. Tuy nhiên, việc thay bể, tỉa cây thường xuyên và đặc biệt là dùng hoá chất flucculant có thể ngăn cản được sự phát triển của vi sinh vật. Ý tưởng dùng thủy trúc để lọc nước chúng em dựa theo kinh nghiệm của người dân Hà Tây đã sử dụng cho kết quả rất tốt.

---------------------------------------
Dùng thủy trúc, rau chai xử lý nước thải chăn nuôi

Ngọc Phương

Theo Báo Lao động, Tuổi trẻ
  • 3.851