Bệnh hen suyễn (hen phế quản) là gì?

  •  
  • 623

Hen phế quản là bệnh lý của đường hô hấp. Bệnh đặc trưng bởi những cơn khó thở khởi phát đột ngột khi có một yếu tố khởi kích. Các yếu tố gây khởi phát cơn hen khác nhau tùy theo từng người bệnh, thông thường đó là những chất kích thích dị ứng như mùi, lông động vật, côn trùng, vận động thể lực…

Chúng ta không thể điều trị hết hẳn bệnh hen mà các liệu pháp điều trị hiện tại chỉ là kiểm soát cơn hen với hai mục tiêu chính là giảm số lần tái phát cơn hen và ngăn ngừa những trường hợp cơn hen nặng phải nhập viện. Những bệnh nhân bị hen lâu năm thường biết được những triệu chứng báo trước cơn hen sắp xảy ra như ho, hắt hơi, mệt… và họ hoàn toàn ngăn ngừa được bệnh diễn tiến nặng khi kịp thời sử dụng các loại thuốc cắt cơn tác dụng nhanh. Người bị hen hoàn toàn có thể sống và sinh hoạt như người bình thường nếu bệnh được theo dõi và điều trị đúng cách.

Bệnh hen suyễn là gì?

Để hiểu về bệnh hen suyễn (hay còn gọi là bệnh hen phế quản), trước tiên bạn cần phải hình dung được nguyên lý hoạt động của đường hô hấp. Đường dẫn khí có dạng hình ống giúp đưa không khí vào và ra khỏi phổi bạn. Những người bị hen suyễn sẽ bị viêm đường hô hấp. Tình trạng viêm làm đường hô hấp bị phù nề, trở nên rất nhạy cảm, và có xu hướng phản ứng mạnh với một số chất hít vào.

Hen suyễn là bệnh đặc trưng bởi những cơn khó thở khởi phát đột ngột khi có một yếu tố khởi kích.
Hen suyễn là bệnh đặc trưng bởi những cơn khó thở khởi phát đột ngột khi có một yếu tố khởi kích.

Khi đường dẫn khí bị kích ứng , các cơ hô hấp xung quanh thắt chặt lại. Điều này khiến đường dẫn khí bị thu hẹp, ngăn cản không khí đi vào phổi. Chỗ phù nề cũng có thể diễn tiến tệ hơn khiến cho đường hô hấp thậm chí còn thu hẹp hơn nữa. Các tế bào trong đường hô hấp có thể tạo ra nhiều chất nhầy hơn mức bình thường. Chất nhầy là một loại chất đặc, dính có thể làm đường hô hấp hẹp hơn.

Chuỗi phản ứng này có thể gây nên các triệu chứng hen phế quản. Các triệu chứng có thể xuất hiện mỗi lần đường hô hấp bị viêm.

Bệnh hen suyễn được chia làm 5 loại phổ biến, bao gồm:

  • Bệnh suyễn do hoạt động thể lực;
  • Bệnh suyễn về đêm;
  • Bệnh suyễn do nghề nghiệp;
  • Suyễn thể ho đơn thuần;
  • Hen suyễn dị ứng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WTO), hen suyễn là một trong những bệnh không lây phổ biến. Đây là loại bệnh mạn tính ở đường dẫn khí của phổi gây viêm và thu hẹp đường dẫn khí. Hiện nay khoảng 235 triệu người trên khắp thế giới đang bị hen suyễn. Hen suyễn là căn bệnh thường gặp ở trẻ em.

Hen suyễn có tỷ lệ tử vong tương đối thấp so với các bệnh mạn tính khác nhưng hầu hết các trường hợp tử vong liên quan đến hen suyễn thường xảy ra ở những nước thu nhập thấp và trung bình thấp, trong đó có Việt Nam. Thuốc không thể chữa khỏi bệnh nhưng có thể giúp kiểm soát bệnh.

Triệu chứng và dấu hiệu của hen suyễn

Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Cơn ho của hen thường nhiều hơn vào ban đêm hay đầu buổi sáng, khiến bạn khó đi vào giấc ngủ;
  • Thở khò khè: là tiếng rít hay âm thanh the thé phát ra khi bạn thở;
  • Nặng ngực: có thể được mô tả như một thứ gì đó đang siết chặt hay đè ép ngực bạn;
  • Khó thở: một số người bị hen suyễn nói rằng họ không thể thở hay họ cảm thấy hết hơi. Họ cảm thấy không thể đẩy không khí ra khỏi phổi của họ được.

Nếu bạn gặp phải những triệu chứng này, không có nghĩa là bạn đã bị hen suyễn. Cách tốt nhất để chẩn đoán chính xác bệnh hen suyễn là làm xét nghiệm chức năng phổi, kiểm tra bệnh sử (bao gồm loại và mức độ của các triệu chứng) và khám lâm sàng.

Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng được đề cập ở trên, hay có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

Các nhà nghiên cứu cho rằng sự tương tác giữa một số yếu tố di truyền và yếu tố môi trường gây nên bệnh hen suyễn
Các nhà nghiên cứu cho rằng sự tương tác giữa một số yếu tố di truyền và yếu tố môi trường gây nên bệnh hen suyễn.

Nguyên nhân gây ra bệnh hen suyễn (hen phế quản)

Hiện nay chưa biết rõ nguyên nhân phát sinh chính xác của bệnh hen phế quản. Các nhà nghiên cứu cho rằng sự tương tác giữa một số yếu tố di truyền và yếu tố môi trường gây nên bệnh hen suyễn, hầu hết thường tác động trong giai đoạn đầu đời. Những yếu tố này gồm có:

  • Tình trạng dị ứng có liên quan tới di truyền;
  • Ba mẹ mắc bệnh hen suyễn;
  • Mắc phải một số bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trong suốt thời thơ ấu;
  • Hít phải một số chất gây dị ứng trong không khí hay tiếp xúc với các bệnh truyền nhiễm ký sinh trùng ở thời thơ ấu hoặc ở giai đoạn đầu đời khi hệ thống miễn dịch đang phát triển.

Nếu bệnh hen phế quản hay dị ứng hiện diện trong gia đình bạn, việc tiếp với các chất kích thích (ví dụ như khói thuốc lá) có thể khiến đường hô hấp của bạn phản ứng mạnh hơn so với các chất trong không khí. Cơn hen có thể xảy ra khi bạn tiếp xúc với “các chất kích hoạt bệnh hen suyễn’’. Các chất kích hoạt mà bạn gặp phải có thể khác với những người bị hen suyễn khác. Các chất kích hoạt có thể là:

  • Chất gây dị ứng do bụi, lông súc vật, nấm mốc, phấn hoa từ cây, cỏ và hoa;
  • Các chất kích thích như khói thuốc lá, ô nhiễm không khí, hóa chất hoặc bụi tại nơi làm việc, các hợp chất có trong các sản phẩm trang trí nhà cửa và thuốc xịt (như keo xịt tóc);
  • Các loại thuốc như thuốc kháng viêm không steroid và các loại thuốc chẹn beta không chọn lọc;
  • Chất sunfit có trong thức ăn và nước uống;
  • Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên như cảm lạnh;
  • Các hoạt động thể chất, bao gồm cả tập thể dục.

Những ai có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn (hen phế quản)?

Theo WHO, bệnh hen suyễn là tình trạng bệnh lý thường gặp ở trẻ em. Trên thực tế, hen suyễn tác động đến mọi người thuộc mọi độ tuổi nhưng nó thường chớm phát khi bạn còn nhỏ nếu bạn:

  • Thở khò khè và đang gặp phải các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp (nguy cơ cao nhất);
  • Bị dị ứng, chàm (tình trạng dị ứng da);
  • Có cha mẹ mắc bệnh hen phế quản.

Trong số những trẻ mắc bệnh hen suyễn thì lệ trẻ nam thường nhiều hơn trẻ nữ. Nhưng ở những người trưởng thành thì có sự đảo ngược, nhiều phụ nữ mắc bệnh hen suyễn hơn nam giới. Hiện nay, chưa có bằng chứng rõ ràng về vấn đề giới tính và các hormone sinh dục đóng vai trò ra sao trong việc gây nên bệnh hen suyễn.

Một số người tiếp xúc với các hóa chất kích thích nhất định hay bụi công nghiệp tại nơi làm việc sẽ có nguy cơ cao bị hen suyễn. Loại hen suyễn này được gọi là hen suyễn nghề nghiệp.

Chẩn đoán và điều trị hen suyễn

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán bệnh hen suyễn dựa trên nhiều yếu tố.

Thứ nhất là yếu tố bệnh sử và tiền sử gia đình, bác sĩ sẽ hỏi về gia đình bạn có ai đã từng mắc bệnh hen suyễn và dị ứng không. Bác sĩ cũng có thể hỏi bạn có các triệu chứng hen suyễn không cũng như khi nào và bao lâu thì chúng xảy ra. Hãy cho bác sĩ biết nếu các triệu chứng bạn mắc phải chỉ xuất hiện trong những khoảng thời gian nhất định của năm hoặc chỉ xuất hiện ở những nơi nhất định, hoặc các triệu chứng trở nên tệ hơn vào ban đêm. Bác sĩ cũng có thể hỏi bạn về tình trạng sức khỏe liên quan mà có khả năng ảnh hưởng đến việc quản lý bệnh.

Bên cạnh đó, bác sĩ có thể khám lâm sàng bằng cách lắng nghe hơi thở của bạn và tìm kiếm các dấu hiệu của hen suyễn hay dị ứng.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ kiểm tra chức năng phổi bằng cách sử dụng một xét nghiệm gọi là đo hô hấp ký để kiểm tra phổi của bạn đang hoạt động thế nào. Bài kiểm tra này giúp đo lường lưu lượng không khí tối đa bạn có thể hít vào và thở ra.

Các xét nghiệm khác có thề bao gồm:

  • Xét nghiệm dị ứng để phát hiện các chất gây dị ứng ảnh hưởng đến bạn, nếu có.
  • Xét nghiệm để đo lường mức độ nhạy cảm đường hô hấp của bạn. Nó được gọi là xét nghiệm kích thích phế quản. Bằng cách kết hợp với phép đo hô hấp ký, xét nghiệm này đo lường chức năng phổi của bạn nhiều lần trong suốt quá trình vận động gắng sức, chịu lạnh hay hít các hóa chất đặc biệt.
  • Xét nghiệm cho thấy liệu bạn có đang mắc phải tình trạng bệnh lý nào khác có cùng triệu chứng với bệnh hen suyễn, chẳng hạn bệnh trào ngược, rối loạn chức năng dây thanh hoặc ngưng thở khi ngủ.
  • Chụp X-quang ngực thẳng hay đo ECG (điện tâm đồ). Những xét nghiệm này sẽ giúp trả lời câu hỏi liệu có phải các tác nhân bên ngoài hay chính các tình trạng bệnh lý khác bên trong đang gây nên các triệu chứng của bạn.

Hen suyễn là tình trạng bệnh lý mạn tính không có thuốc chữa khỏi. Mục tiêu của điều trị hen suyễn là để kiểm soát được bệnh. Kiểm soát bệnh hen suyễn tốt sẽ:

  • Ngăn ngừa các triệu chứng mạn tính, chẳng hạn ho và khó thở;
  • Giảm nhu cầu dùng các loại thuốc cắt cơn (xem bên dưới);
  • Giúp bạn duy trì tốt chức năng phổi;
  • Giúp bạn duy trì mức độ hoạt động bình thường và giấc ngủ ngon suốt đêm;
  • Phòng ngừa các cơn hen phải nhập cấp cứu hay phải nhập viện.

Để điều trị bệnh hen suyễn thành công, bạn nên:

  • Thực hiện theo phác độ điều trị bệnh hen suyễn;
  • Tránh những thứ có thể khiến bệnh hen suyễn của bạn tệ hơn;
  • Dùng thuốc đúng hướng dẫn;
  • Theo dõi bệnh;
  • Ghi lại các triệu chứng của bạn;
  • Sử dụng máy đo lưu lượng đỉnh;
  • Tái khám bệnh định kỳ.

Bệnh hen suyễn được điều trị bằng hai loại thuốc gồm: thuốc kiểm soát dài hạn và thuốc tác dụng nhanh chóng (thuốc cắt cơn).

Đối với thuốc kiểm soát dài hạn, đa số những người bị hen suyễn đều cần dùng thuốc kiểm soát dài hạn mỗi ngày để giúp ngăn ngừa các triệu chứng. Tác dụng hữu hiệu nhất của thuốc dài hạn là giúp giảm viêm đường hô hấp, phòng tránh các triệu chứng ngay từ giai đoạn chớm phát. Những loại thuốc này gồm có: corticosteroid dạng hít, Cromolyn, Omalizumab (anti-IgE). Nếu bạn mắc bệnh suyễn nặng, bạn có thể phải uống thuốc corticosteroid dạng viên hay dạng lỏng trong một thời gian ngắn để kiểm soát trình trạng bệnh.

Đối với thuốc tác dụng nhanh, tất cả những người bị hen suyễn đều cần dùng thuốc tác dụng nhanh để giúp giảm thiểu các triệu chứng có thể bùng phát. Nhóm đồng vận beta2 có tác dụng nhanh chóng (Albuterol, pirbuterol, levalbuterol hay bitolterol) là lựa chọn đầu tiên. Những loại thuốc khác gồm có ipratropium (chất kháng tiết cholin), prednisone, prednisolone (steroids dạng uống). Bạn nên dùng thuốc tác dụng nhanh khi bạn mới khời phát các triệu chứng hen suyễn. Nếu bạn sử dụng loại thuốc này nhiều hơn 2 ngày 1 tuần, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát tình trạng hen suyễn của bạn. Bạn có thể cần phải thay đổi kế hoạch điều trị hen suyễn của bản thân.

Đa số những người bị hen suyễn, kể cả trẻ em, có thể kiểm soát các triệu chứng một cách an toàn bằng cách thực hiện theo các liệu trình điều trị hen suyễn. Tuy nhiên, có những thời điểm bạn cần phải nhờ đến sự chăm sóc y tế.

Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu:

  • Thuốc của bạn không làm giảm triệu chứng cơn hen suyễn;
  • Lưu lượng đỉnh của bạn thấp hơn 50% giá trị dự đoán.

Gọi Trung tâm Cấp cứu 115 để được chăm sóc cấp cứu nếu:

  • Bạn khó thở khi đi lại và kể cả khi nói chuyện;
  • Môi hay móng tay của bạn tím tái.

Những biến chứng có thể xảy ra của bệnh hen suyễn (hen phế quản) là gì?

Bệnh hen suyễn kém kiểm soát có thể ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống của bạn. Tình trạng này có thể dẫn đến:

  • Mệt mỏi;
  • Làm việc kém năng suất hay nghỉ việc;
  • Các vấn đề về tâm lý bao gồm stress, lo âu và trầm cảm;
  • Nếu bạn cảm thấy bệnh hen suyễn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bạn, hãy liên lạc với bác sĩ ngay. Kế hoạch điều trị hen suyễn của bạn có thể cần được xem xét lại để kiểm soát tình trạng này tốt hơn.

Trong một số trường hợp hiếm hoi, bệnh hen suyễn có thể dẫn đến một số biến chứng hô hấp nghiêm trọng, bao gồm:

  • Viêm phổi (nhiễm trùng phổi);
  • Xẹp một phần hay toàn bộ phổi;
  • Suy hô hấp, nồng độ oxy trong máu xuống thấp tới mức báo động hay nồng độ cacbon dioxide tăng cao gây nguy hiểm;
  • Hen ác tính (cơn suyễn nặng không đáp ứng với điều trị).

Tất cả các biến chứng trên đều đe dọa tính mạng, cần phải được điều trị thích hợp.

 Điều trị hen suyễn thành công đòi hỏi việc chủ động chăm lo cho sức khỏe bản thân và theo sát kế hoạch điều trị.
Điều trị hen suyễn thành công đòi hỏi việc chủ động chăm lo cho sức khỏe bản thân và theo sát kế hoạch điều trị.

Phong cách sống và thói quen sinh hoạt để phòng tránh hen suyễn

Nếu bị bệnh hen suyễn, bạn sẽ cần sự chăm sóc dài hạn. Điều trị hen suyễn thành công đòi hỏi việc chủ động chăm lo cho sức khỏe bản thân và theo sát kế hoạch điều trị. Kế hoạch này sẽ giúp bạn biết uống thuốc khi nào và như thế nào, đồng thời giúp bạn xác định các chất kích hoạt bệnh hen suyễn và quản lý bệnh tình nếu các triệu chứng hen suyễn trầm trọng hơn.

Để kiểm soát bệnh hen suyễn, bạn nên cùng hợp tác với bác sĩ để quản lý bệnh tình của bạn hay của con bạn. Trẻ em từ 10 tuổi trở lên (hoặc trường hợp trẻ nhỏ hơn) nên được giáo dục sức khỏe và chủ động quan tâm đến tình trạng bệnh của mình. Điều quan trọng là bạn phải giữ vai trò chủ động trong việc kiểm soát bệnh hen phế quản bằng những hành động như:

  • Hợp tác với bác sĩ để điều trị các tình trạng bệnh lý khác có thể ảnh hưởng tới việc kiểm soát bệnh hen suyễn;
  • Tránh những nguyên nhân khiến bệnh hen suyễn của bạn trầm trọng hơn (các chất kích hoạt bệnh suyễn). Tuy nhiên, bạn nên đảm bảo duy trì hoạt động thể lực. Hoạt động thể lực là một phần quan trọng của một lối sống lành mạnh. Tham khảo ý kiến bác sĩ về các loại thuốc có thể giúp bạn sống năng động hơn;
  • Làm việc với bác sĩ và các nhà cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác để xây dựng và thực hiện kế hoạch điều trị bệnh hen phế quản;
  • Tìm hiểu cách dùng các loại thuốc thật chuẩn xác;
  • Ghi lại các triệu chứng về bệnh hen suyễn của bạn là một cách giúp theo dõi tiến trình bệnh , giúp bệnh của bạn được kiểm soát tốt;
  • Nên tiêm chủng phòng ngừa cúm mỗi năm.

Với sự ra đời của nhiều loại thuốc mới, chiến lược và hướng dẫn điều trị hen luôn được cập nhật hàng năm nhằm cải thiện khả năng kiểm soát cơn hen. Với những nghiên cứu mới và những tiến bộ trong y khoa, bệnh hen suyễn của bạn có nhiều cơ hội được kiểm soát ổn định với sự phối hợp hai loại thuốc cắt cơn và ngừa cơn. Ngoài vai trò của bác sĩ và thuốc men, vai trò của bản thân bạn trong việc kiểm soát bệnh cũng rất quan trọng.

Bạn nên tránh các yếu tố kích thích hen (nếu biết), ngưng hút thuốc lá vì thuốc lá có thể dẫn đến viêm đường hô hấp mạn tính không phục hồi, tập luyện thể lực và sử dụng thuốc đều đặn theo toa của bác sĩ. Chủ động ghi lại triệu chứng và số lần phải dùng thuốc cắt cơn trong một tuần hoặc một tháng là cần thiết nhằm cung cấp thông tin cho bác sĩ về mức độ ổn định bệnh của bạn.

Nếu như bệnh tái phát nhiều lần trong tuần hoặc trong một tháng, bạn cần phải được lên thang điều trị. Một số trường hợp hen ở trẻ nhỏ có thể tự hết khi trưởng thành.

Các bậc cha mẹ đừng quá lo lắng mà hãy dành thời gian tìm hiểu thêm cách phòng ngừa và xử trí bệnh cho trẻ. Đối với trẻ lớn hơn, hướng dẫn trẻ biết nguyên nhân kích thích cơn hen và các triệu chứng khò khè, khó thở, ho khi cơn hen bắt đầu diễn ra cũng như cách sử dụng thuốc hít cắt cơn là rất cần thiết vì trẻ vốn hiếu động và khi cơn hen xảy ra có thể bạn không ở bên cạnh trẻ.

Bệnh hen suyễn kiêng ăn gì?

  • Rượu bia: Một trong những kẻ thù của bệnh hen suyễn là chất sulfite, nhưng chất này lại chứa rất nhiều trong rượu bia. Bênh cạnh đó, chất histamin tìm thấy trong rượu vang cũng khiến bệnh nhân hen suyễn hắt hơi, thở khò khò cũng như chảy nước mắt nhiều hơn.
  • Thuốc lá: Hút thuốc là sẽ khiến cho khí quản co giật, các chất bài tiết cũng tăng lên, khéo theo đó là thượng bì niêm mạc bị tổn thương. Khói thuốc lá cũng chứa rất nhiều độc tố như oxit nito, andehit, ... kích thích niêm mạc đường hô hấp.
  • Dưa muối: Các loại dưa muối và thực phẩm lên men cũng chứa sulfite giống như rượu bia.
  • Thực phẩm đóng gói sẵn: Nhiều người không biết bệnh hen suyễn kiêng ăn gì, thì họ nên tránh xa thực phẩm đóng gói sẵn đầu tiên. Loại thực phẩm này chứa nhiều chất bảo quản như natri bisulfite, có ảnh hưởng vô cùng xấu đến bệnh nhân hen suyễn.
  • Thực phẩm đông lạnh: Thực phẩm đông lạnh nói chung và hải sản đông lạnh nói riêng thường chứa nhiều sulfite, cũng giống như chất có trong bia rượu.
  • Một số loại thực phẩm gây dị ứng: Thực phẩm gây dị ứng sẽ khiến cơ thể gặp khó khăn khi thở, ảnh hưởng đến phế quản và phổi.
  • Muối: Thực phẩm có hàm lượng muối cao làm tăng lượng natri, gây ra những phản ứng trong phế quản. Khi này, cổ họng sẽ sinh ra nhiều đờm hơn.

Hy vọng những thông tin chúng tôi cung cấp trên đây giúp bạn và người thân bớt lo lắng và tự tin hơn trong quá trình điều trị hen suyễn.

Cập nhật: 20/12/2019 Theo hellobacsi/khampha
  • 623