Bệnh Kawasaki: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bệnh Kawasaki ở trẻ em là bệnh gì?
  •  
  • 1.043
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi PGS.TS.BS Hồ Sỹ Hà - Trung tâm Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ Hà đã có trên 30 năm kinh nghiệm về chuyên ngành tim mạch Nhi, từng có một thời gian dài công tác tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

'Bệnh Kawasaki là bệnh thường xảy ra đối với trẻ dưới 5 tuổi, hiện nay có khá nhiều trường hợp mắc bệnh này tại Mỹ, Nhật Bản. Ở Việt Nam những năm gần đây cũng ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh. Vậy, bệnh Kawasaki là bệnh gì? Có nguy hiểm không?

1. Bệnh Kawasaki là bệnh gì?

Bệnh Kawasaki là tình trạng sốt cấp hay kèm phát ban toàn thân ở trẻ nhỏ, với đặc điểm có viêm lan tỏa của hệ mạch máu nhỏ và vừa trên toàn cơ thể, bao gồm cả động mạch vành cung cấp máu cho cơ tim.

Căn bệnh này được đặt tên theo tên một bác sĩ nhi khoa người Nhật Bản, người đã mô tả mẫu dấu hiệu và triệu chứng đặc trưng của bệnh này vào năm 1967. Bệnh Kawasaki thường gặp ở trẻ em nhỏ dưới 5 tuổi, tỉ lệ mắc bệnh ở trai thường cao hơn so với trẻ gái.

Hậu quả tức thời của bệnh Kawasaki có thể chưa nghiêm trọng ngay. Tuy nhiên, các biểu hiện tim mạch là hiểm nghèo như viêm tim, phình giãn động mạch vành gây đột tử, nhồi máu cơ tim ở trẻ nhỏ hay hẹp tắc và suy vành mạn tính về sau.

Bệnh Kawasaki thường gặp ở trẻ em nhỏ dưới 5 tuổi, hay gặp nhất ở lứa tuổi bú mẹ. Tỉ lệ mắc bệnh ở trai thường cao hơn so với trẻ gái.

2. Nguyên nhân gây bệnh Kawasaki ở trẻ em

Hiện nay, nguyên nhân gây ra bệnh Kawasaki vẫn chưa được xác định. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng bệnh có thể có nguồn gốc nhiễm khuẩn, nhiễm độc ví dụ như virus hoặc vi khuẩn; yếu tố về chủng tộc cũng có liên quan vì trẻ gặp nhiều ở trẻ em Châu Á hoặc gốc Châu á. Ngoài ra, yếu tố môi trường có thể là tác nhân gây bệnh. Đến nay, vẫn chưa có một bằng chứng xác thực nào cho thấy bệnh này lây truyền.

3. Triệu chứng bệnh Kawasaki

Một số biểu hiện của trẻ khi bị Kawasaki.
Một số biểu hiện của trẻ khi bị Kawasaki.

Sốt là biểu hiện hay gặp nhất, thường xuất hiện đầu tiên và kéo dài trên 5 ngày, với đặc điểm ít đáp ứng với kháng sinh hay thuốc hạ nhiệt thông thường.

  • Kết mạc mắt sung huyết, đỏ; thường không chảy dịch, hình thành trong tuần bị bệnh đầu tiên.
  • Môi đỏ rõ, có thể nứt kẽ rỉ máu.
  • Lưỡi đỏ và có thể nổi gai.
  • Phát ban thường xuất hiện sớm khi mắc bệnh; thường gặp ban đỏ đa dạng, toàn thân.
  • Biểu hiện ở đầu chi như sưng nề mu bàn tay, chân; đỏ tía gan bàn tay, bàn chân.
  • Hạch bạch huyết vùng cổ, góc hàm có thể sưng lên to, thường một bên.

Các triệu chứng của bệnh Kawasaki thường giống nhiều bệnh sốt cấp khác như nhiễm trùng, sốt phát ban nhiệt đới trong khi một số triệu chứng tiến triển giống như tự thoái lui nên bệnh rất dễ bỏ qua hoặc chẩn đoán nhầm lẫn với các bệnh lý khác.

Do đó, nếu trẻ nhỏ sốt cao liên tục 3 - 4 ngày, kèm 2 hoặc 3 trong số biểu hiện phát ban đỏ ngoài da; môi đỏ và lưỡi đỏ nổi gai; đỏ mắt hai bên (viêm đỏ kết mạc); Sưng hạch góc hàm thì cần nghĩ đến bệnh Kawasaki và sớm đưa con đến khám tại các bệnh viện có chuyên khoa tim mạch nhi.

4. Biến chứng bệnh Kawasaki

Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì biểu hiện lâm sàng của bệnh có thể tự thoái lui, tuy nhiên các biến chứng của bệnh ở các cơ quan, đặc biệt là biến chứng phình giãn động mạch vành tim gây hậu quả nhồi máu cơ tim hay hẹp tắc động mạch vành và thiếu máu cơ tim, suy vành mãn tính. Tỷ lệ này gặp khoảng phần ba số trường hợp không được điều trị.

5. Điều trị bệnh Kawasaki ở trẻ

Trẻ khi bị mắc bệnh Kawasaki nên được điều trị tại bệnh viện. Tại đây, trẻ sẽ được sử dụng thuốc để ngăn ngừa tổn thương tại vành mạch. Bao gồm:

  • Gamma globulin (IVIG) liều cao tiêm vào tĩnh mạch là phương pháp điều trị được chọn lựa cho bệnh nhân bị bệnh Kawasaki. Đây là phương pháp điều trị hiệu quả giúp thuyên giảm triệu chứng, và quan trọng hơn là có thể ngăn ngừa hoặc giảm thương tổn động mạch vành nếu được điều trị sớm trong 10 ngày kể từ khi xuất hiện sốt.
  • Aspirin (ASA) liều cao cũng được cho sử dụng cùng với IVIG trong giai đoạn cấp tính của bệnh cho đến khi giảm sốt.

Nếu được điều trị, bệnh thường diễn biến tốt hơn. Một số trẻ sẽ cần phải điều trị lần 2 với IVIG hay những loại thuốc khác.

Để trẻ có thể được chẩn đoán và điều trị một cách chính xác và hiệu quả, tránh những biến chứng có thể xảy ra, cha mẹ nên lựa chọn những cơ sở uy tín hàng đầu.

Cập nhật: 04/05/2024 Theo vinmec
  • 1.043