Bệnh lao thận

  •   22
  • 1.605

Lao thận thường gặp ở người 20-40 tuổi, nam mắc nhiều hơn nữ. Từ thận, lao có thể lan sang các bộ phận sinh dục lân cận như túi tinh, mào tinh hoàn, ống dẫn trứng; hay sang các cơ quan khác như màng não.

Lao thận là tổn thương nhu mô một trong hai quả thận. Bệnh xuất hiện do vi khuẩn lao từ phổi theo đường máu (hay từ ruột, xương, hạch bạch huyết) tới thận, gây lao thận.

Mới đầu, vi khuẩn làm tổn thương nhu mô thận, sau vào đài, bể thận. Từ nơi này, trực khuẩn lao lan ra hệ tiết niệu và sinh dục. Bệnh khởi đầu yên lặng nên ở giai đoạn sớm, chưa thể biết tổn thương lao đã vào tới đài, bể thận. Ở thời kỳ toàn phát sẽ có các triệu chứng như luôn tiểu rắt, nhiều về đêm; mỗi lần chỉ đi vài giọt, không thành tia... mặc dù người bệnh cố hết sức rặn. Người bệnh tiểu buốt vào cuối bãi. Buốt lan ra vùng tiết niệu, lan lên trên và lan xuống dưới hai đùi...
Người bệnh thường xuyên tiểu đục và tiểu có máu.

Chụp phim thận có thuốc cản quang cho thấy sự thay đổi hình dáng của bể, đài thận, niệu quản và bàng quang. Bể thận hẹp, phình, cắt cụt, hình cánh hoa hay giãn ra. Niệu quản chỗ hẹp, chỗ giãn. Bàng quang dung tích bé và thành dày. Soi bàng quang cho thấy niêm mạc phù, nhiều cột cơ dày; có những hạt to bằng đầu đinh trắng hay vàng; những ổ loét lao.

Bệnh diễn biến rất lâu, từ bị lao một thận chuyển sang lao hai thận. Thận bị ứ nước do hẹp, tắc niệu quản, bể thận. Bàng quang teo, có ỏi tiết niệu. Lao lan sang các bộ phận sinh dục lân cận như túi tinh, mào tinh hoàn, ống dẫn trứng hay các cơ quan khác như màng não.

Để phòng ngừa lao thận, phải phát hiện, điều trị khỏi dứt điểm lao phổi. Người bị lao thận cần được nghỉ ngơi, tránh lao động nặng, ăn uống đầy đủ các dưỡng chất và điều trị thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ.

BS. Hoàng Anh, Sức Khỏe & Đời Sống

  • 22
  • 1.605