Bệnh xuất huyết ở trẻ sơ sinh là gì?

  •  
  • 96

Xuất huyết (chảy máu) nói chung là tình trạng máu (bao gồm cả 2 thành phần: huyết tương và thành phần hữu hình) thoát ra khỏi hệ thống tuần hoàn. Dựa vào tính chất, mức độ và vị trí xuất huyết mà có tên gọi khác nhau, như: Xuất huyết não, xuất huyết dưới da, xuất huyết dạ dày...

Bệnh xuất huyết ở trẻ sơ sinh là tình trạng xuất huyết không thường xảy ra co nguy cơ tiềm ẩn nguy cơ đe dọa tính mạng trẻ sơ sinh. Hiện nay, Bộ Y tế đã cho thực hiện việc cung cấp vitamin K cho trẻ ngay sau khi sinh nhằm bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ xuất huyết não, màng não do thiếu vitamin K. Việc cung cấp vitamin K cho trẻ sơ sinh được thực hiện theo hai hình thức: Uống hoặc tiêm.

Các triệu chứng của xuất huyết ở trẻ sơ sinh

  • Đầu tiên là dấu hiệu xuất hiện máu trong nước tiểu hoặc phân, bà mẹ nên xem xét đến nguy cơ cao bé đang bị xuất huyết.
  • Dấu hiệu xuất huyết ở trẻ sơ sinh cũng có thể xuất hiện thông qua các vết bầm tím hoặc khối u trên đầu.
  • Tình trạng xuất huyết ở trẻ sơ sinh còn có nguy cơ diễn ra ở một số khu vực như vùng rốn hoặc ở màng nhầy mũi và miệng. Chảy máu ở dương vật trong trường hợp cắt bao quy đầu. Hoặc ở những nơi kim đâm khi đi tiêm chủng, truyền dịch IV....
  • Những dấu hiệu khác như da nhợt nhạt, bé khó chịu hoặc buồn ngủ quá mức. Hiện tượng động kinh hoặc vàng mắt 3 tuần sau khi sinh cũng là các biểu hiện về bệnh xuất huyết ở trẻ sơ sinh.

Nguyên nhân xuất huyết ở trẻ sơ sinh

Xuất huyết ở trẻ sơ sinh thường do nguyên nhân thiếu hụt vitamin K. Thiếu vitamin K làm giảm khả năng đông máu. Trong khi đó, trẻ sơ sinh chưa có khả năng tổng hợp, lưu trữ vitamin K trong cơ thể. Sữa mẹ cũng không cung cấp đầy đủ nguồn vitamin K để bé phát triển khỏe mạnh.

Xuất huyết ở trẻ sơ sinh thường do nguyên nhân thiếu hụt vitamin K.
Xuất huyết ở trẻ sơ sinh thường do nguyên nhân thiếu hụt vitamin K.

Các giai đoạn của bệnh xuất huyết ở trẻ sơ sinh

Giai đoạn khởi phát sớm

Đây là tình trạng xuất huyết ở trẻ sơ sinh diễn ra trong vòng 24 giờ sau sinh. Trong một số trường hợp bệnh xảy ra ngay sau 1 tiếng đầu tiên sau sinh. Nguyên nhân là do tiền sử sử dụng chất làm loãng máu như warfarin và thuốc chống động kinh của người mẹ trong thai kỳ. Ngoài ra việc bà mẹ sử dụng thuốc kháng sinh như cephalosporin hoặc thuốc chống co giật cũng gây khó khăn trong chuyển hóa vitamin K.

Giai đoạn khởi phát cơ bản

Đây là hiện tượng xuất huyết ở trẻ sơ sinh xảy ra trong vòng 2 – 7 ngày sau sinh. Chủ yếu diễn ra ở trẻ sơ sinh chưa tiêm hoặc uống bổ sung vitamin K dự phòng khi sinh. Trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn và không tiêm bổ sung vitamin K cũng có nguy cơ cao gặp bệnh xuất huyết.

Giai đoạn khởi phát muộn

Hiện tượng xuất huyết ở trẻ sơ sinh xảy ra trong thời gian từ 2 tuần – 6 tháng. Đây là hiện tượng phổ biến trong trường hợp trẻ chưa tiêm vitamin K.

Cách phòng ngừa bệnh xuất huyết ở trẻ sơ sinh

Biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh xuất huyết ở trẻ sơ sinh chính là tiêm vitamin K sau khi sinh. Chỉ cần 1 mũi tiêm trẻ đã nhận được sự bảo vệ thoát khỏi bệnh xuất huyết. Tuy nhiên điều này cũng tùy thuộc vào sức đề kháng và tình trạng sức khỏe của trẻ.

Trường hợp đang mang thai và có sử dụng các thuốc chống loãng máu hoặc chống động kinh, cần phải thông báo trước với bác sĩ để có những biện pháp kịp thời bảo vệ bé khỏi nguy cơ xuất huyết ở trẻ sơ sinh.

Việc tìm hiểu kỹ vai trò vitamin K và mối quan hệ của nó với bệnh xuất huyết ở trẻ sơ sinh là điều rất quan trọng trước và trong thời kỳ mang thai. Có như vậy bạn mới có đủ kiến thức và kĩ năng để bảo vệ con bạn tránh khỏi căn bệnh xuất huyết ở trẻ sơ sinh đầy nguy hiểm.

Cập nhật: 01/09/2021 Theo vinmec
  • 96