Bí ẩn đằng sau ngọn núi lửa bẩn nhất thế giới cuối cùng cũng được giải mã

  •   32
  • 3.304

Thay vì dung nham, ngọn núi lửa này phun ra... bùn với mùi hôi rất kinh khủng. Lý do cho sự tồn tại của ngọn núi này cuối cùng cũng có đáp án.

Tháng 5/2006, cả thế giới đã phải giật mình khi một ngọn núi lửa tại Indonesia phun trào. Nguyên do là vì đó là vụ phun trào... bẩn và đáng ghê sợ nhất trong lịch sử.

Thứ nó phun ra không phải dung nham, mà là một dạng bùn trộn lưu huỳnh siêu bẩn.
Thứ nó phun ra không phải dung nham, mà là một dạng bùn trộn lưu huỳnh siêu bẩn.

Ngọn núi có tên Lusi, thuộc đảo Java của Indonesia. Thứ nó phun ra không phải dung nham, mà là một dạng bùn trộn lưu huỳnh siêu bẩn. Lớp bùn nhanh chóng bao phủ nhiều thị trấn, đẩy người dân xung quanh khu vực phải di tản. Quan trọng hơn, sự phun trào vẫn tiếp diễn trong suốt 11 năm, và lớp bùn ngày nay đã bao phủ toàn bộ khu vực trong bán kính 10km.

Câu hỏi là, tại sao Lusi phun ra bùn thay dung nham, và vì sao nó không dừng lại? Đó là bí ẩn làm đau đầu giới khoa học trong suốt hơn một thập kỷ, nhưng cuối cùng chúng ta cũng có câu trả lời nhờ sự cố gắng của các chuyên gia từ ĐH Oslo (Na-Uy).

Cụ thể, theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí khoa học Geophysical Research, Lusi thực chất không phải một ngọn núi lửa đúng nghĩa. Nó có kết nối với Arjuno-Welirang - một stratovolcano (ngọn núi lửa có hình chóp) lân cận, và đây là nguyên nhân gây phun trào trong suốt 11 năm.

Sau 11 năm, lớp bùn vẫn tiếp tục sôi sục và lan rộng ra.
Sau 11 năm, lớp bùn vẫn tiếp tục sôi sục và lan rộng ra.

Nguồn magma từ Arjuno-Welirang đã "nung" lớp trầm tích rất giàu chất hữu cơ, gây tích tụ một lượng lớn khí gas ngay bên dưới Lusi. Qua thời gian áp lực lớn dần, đạt đỉnh và bùng nổ. Có điều, địa điểm phun trào lại cách quá xa nguồn magma của Arjuno-Welirang, vậy nên thay vì phun ra dung nham, Lusi phun ra bùn đất.

Trong thời điểm đạt đỉnh, mỗi ngày ngọn núi phun ra lượng bùn lên tới 180.000 mét khối - con số đủ để lấp đầy 72 bể bơi dùng trong thi đấu Olympic. Hơn 60.000 ngôi nhà bị phá hủy, trong đó có trường hợp ngập sâu tới 40m dưới lớp bùn kinh khủng ấy. Một số nạn nhân cũng không may thiệt mạng vì thảm họa này.

Do nguồn trầm tích bên dưới vẫn đang bị nung nóng, Lusi sẽ tiếp tục phun trào trong nhiều năm nữa.

Trên thực tế, núi lửa phun ra bùn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới.
Trên thực tế, núi lửa phun ra bùn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới.

Tuy nhiên, Lusi vẫn là ngọn núi rất bí ẩn, vì rốt cục giới khoa học vẫn không thể hiểu bản chất của Lusi có phải là một ngọn núi lửa hay không.

Trên thực tế, núi lửa phun ra bùn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới - như Iceland, Bắc Mỹ. Nhưng những ngọn núi này phun trào là do bùn bị nén và bị ép lên trên bề mặt - như kem đánh răng vậy.

Trong khi đó, Lusi lại có một phần thuộc về hệ thống thủy nhiệt địa chất - giống như các ống thủy nhiệt dưới đáy biển. Điều này khiến cho những vụ phun trào của ngọn núi này mạnh hơn, và bẩn đến mức kinh khủng vì có sự góp mặt của hơi nước.

Cập nhật: 19/10/2017 Theo Trí Thức Trẻ
  • 32
  • 3.304