Bạn sẽ vô cùng may mắn nếu quan sát được những hiện tượng tự nhiên cực hiếm này, vì chúng rất ít khi xảy ra.
Hình ảnh hào quang rực sáng trên bầu trời được ghi nhận trên bầu trời Bắc Ireland. (Ảnh: Alan Fitzsimmons).
Ngày 28/5, Alan Fitzsimmons, một nhà thiên văn học ở Đại học Queen's Belfast, Bắc Ireland, đã chụp được hình ảnh một quầng sáng bất thường phía trên Vườn bách thảo Belfast. Theo Alan, "màn trình diễn" này kéo dài khoảng 30 phút.
Theo Spaceweather.com, một số quầng sáng kỳ lạ cũng được phát hiện trên khắp các vùng khác của khu vực Bắc Ireland, cũng như ở miền bắc nước Anh và Scotland.
Các nhà quan sát cho biết đây chính là hiện tượng quang học có tên gọi hào quang, được tạo ra bởi ánh sáng mặt trời tương tác với các tinh thể băng lơ lửng trong bầu khí quyển.
Dẫu vậy, hào quang cũng có nhiều loại. Một số hào quang xảy ra khá phổ biến, trong khi số khác lại hiếm khi mới xuất hiện.
Trang Spaceweather cho biết hình ảnh được chụp bởi Fitzsimmons bao gồm ít nhất 3 hiện tượng quang học khác nhau đã được xác nhận, trong đó bao gồm một vòng tròn lớn bao quanh mặt trời (còn gọi là hào quang 22 độ), một hào quang có dạng mặt trời ảo (sundog), và một hào quang tạo ra đường tròn hoàn hảo (parhelic).
Trong đó, hiện tượng hào quang parhelic là hiếm gặp nhất, vì nó cần ít nhất 5 lần khúc xạ bên trong hàng triệu tinh thể băng riêng lẻ, và chúng đều bắt các tia nắng một cách đồng thời.
Một hào quang xuất hiện trên bầu trời Mexico. (Ảnh: Wikipedia).
Các tài liệu khoa học cho biết, hiện tượng tự nhiên này tuy hiếm thấy nhưng không thần bí vì chúng chỉ là những hiện tượng quang học bình thường.
Theo lý giải, các tinh thể băng gây ra hiện tượng hào quang thường bị treo ở các đám mây ti hoặc ti tầng ở tầng đối lưu (khoảng từ 5 - 10 km phía trên chúng ta). Khi ánh sáng mặt trời tiếp xúc với các tinh thể băng này, chúng tạo ra các quầng sáng với đủ hình dạng, kích cỡ khác nhau do hiện tượng khúc xạ.
Hào quang có thể có nhiều hình dạng khác nhau, từ các vòng tròn màu trắng, cho tới nhiều màu sắc, hay dạng các cung tròn và điểm sáng trên bầu trời. Thông thường, hình dạng và sự bố trí của các tinh thể băng chịu trách nhiệm về loại hào quang mà ta có thể quan sát được.
Nhiều hào quang trong số này xuất hiện gần Mặt trời hoặc Mặt trăng, nhưng vẫn có những trường hợp ghi nhận chúng xảy ra ở những nơi khác, hoặc thậm chí ở phần đối diện của bầu trời.
Các tinh thể băng xuất hiện trên bầu khí quyển chính là tác nhân quan trọng tạo ra hiện tượng hào quang. (Ảnh: Atoptics).
Bên cạnh đó, hào quang dường như còn phụ thuộc vào những điều kiện khí hậu và thời tiết đặc trưng của khu vực, như lượng hơi nước, cường độ gió... Chúng cũng có thể có nhiều màu khác nhau do hiện tượng tán sắc xảy ra.
Trong dân gian, hiện tượng quang học thú vị này được xem là dấu hiệu cho thấy trời sẽ mưa trong vòng 24 giờ tới.
Các tinh thể băng nhỏ trong khí quyển cũng có thể tạo ra một loạt các hiện tượng thị giác kỳ lạ khác, chẳng hạn như các đám mây ở tầng bình lưu tỏa sáng như cầu vồng, hay các đám mây tỏa sáng vào ban đêm (còn gọi là mây dạ quang).