Các nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Quốc gia Zayed (ZNM) ở Abu Dhabi đã phát hiện ra những ký tự nằm bên dưới các họa tiết lá vàng phức tạp trên một trang Kinh Quran Xanh.
Theo Newsweek, kinh Quran Xanh là tập sách cổ thế kỷ thứ chín nổi tiếng với các trang da cừu nhuộm chàm, ký tự Kufic bằng vàng và nhiều chi tiết trang trí bằng bạc.
Nurul Iman Bint Rusli, người phụ trách tại ZNM, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ mới trong việc khám phá những lớp lịch sử ẩn giấu này. “Được biết, chỉ còn một bản sao của Kinh Quran Xanh còn tồn tại và khoảng 100 trang giấy đã được khám phá tới nay cũng đủ để làm say mê các học giả trong nhiều thập kỷ".
"Công nghệ tiên tiến đã được sử dụng để làm sáng tỏ nội dung của trang bản thảo này và đang giúp mở rộng thêm góc nhìn về quá trình tạo ra những bản thảo hiếm có như vậy của Kinh Quran Xanh".
Kinh Quran Xanh là tập sách cổ thế kỷ thứ chín. (Ảnh: Newsweek).
Khi công nghệ và nghệ thuật gặp nhau
Sử dụng công nghệ hình ảnh đa phổ tiên tiến, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra những câu thơ từ bài Surah al-Nisa nằm sâu dưới các họa tiết suốt nhiều thế kỷ nay. Điều này mang đến những hiểu biết mới về quá trình tạo ra các văn bản Hồi giáo và nghệ thuật của các nhà thư pháp thời kỳ đầu.
Kinh Quran Xanh, có niên đại từ năm 800-900, ban đầu gồm 600 trang. Ngày nay, chỉ còn khoảng 100 trang được biết là còn tồn tại, nằm rải rác trong các bộ sưu tập tư nhân và bảo tàng trên toàn thế giới. Nguồn gốc chính xác của văn bản này vẫn là đề tài gây nhiều tranh luận. Trong đó, Bắc Phi, Iraq hoặc Andalusia được coi là những nơi khả thi nhất.
Và những phát hiện lần này có tầm quan trọng đáng kể vì công nghệ hình ảnh đa phổ tiên tiến giúp các nhà nghiên cứu phát hiện ra nhiều văn bản và hình ảnh mà mắt thường không nhìn thấy được.
Phân tích cho thấy, các hoa văn lá vàng phức tạp không chỉ mang tính trang trí mà còn có mục đích là che giấu một số lỗi của người viết thư pháp.
Lỗi này có thể là một câu thơ bị trùng lặp và đã được che đi bằng cách vẽ đè lên, thay vì được sửa lại bằng cách thay một trang mới. Dễ hiểu là với chi phí cao của việc tạo ra một tấm da cừu nhuộm chàm, việc thay một trang mới là tốn kém và không khả thi.
Do đó, phương pháp sửa lỗi này mang lại cái nhìn hiếm hoi về quá trình ra quyết định của những người tạo nên bản thảo ban đầu, một chủ đề hiếm khi được khám phá trong lịch sử nghệ thuật Hồi giáo.
Mai Al Mansouri, Phó giám tuyển tại ZNM, cũng nhấn mạnh rằng những khám phá này cho thấy tầm quan trọng của Kinh Quran Xanh, không chỉ là một văn bản tôn giáo mà còn là một hiện vật nghệ thuật và lịch sử, phản ánh sự kết nối giữa các nền văn minh Hồi giáo.
Chữ Kufic của Kinh Quran Xanh, một trong những phong cách thư pháp Ả Rập lâu đời nhất, càng nhấn mạnh thêm ý nghĩa lịch sử của nó. Được đặc trưng bởi các hình dạng góc cạnh, hình học, Kufic thiếu các dấu chấm và dấu phụ như cách độc giả hiện đại nhận biết ký tự.
Mặc dù rất giàu giá trị thẩm mỹ, tính phức tạp của chữ viết khiến việc diễn giải những ký tự cổ ngày nay rất khó khăn. Do đó, dự án nghiên cứu của bảo tàng và những phát hiện mới về trang bản thảo này góp phần vào sự hiểu biết sâu sắc hơn về nghệ thuật Hồi giáo thời kỳ đầu và sự truyền bá kiến thức giữa các nền văn hóa.