Bí mật ngôi mộ cổ

  •   3,52
  • 3.848

Binh Nguyên

Boeng Mealea đã một thời được xem là ngôi đền quan trọng nhất Angkor, nơi an táng thi hài của vua Suryavarman II - người đã xây nên kỳ quan Angkor Wat trong suốt 37 năm ròng. Nhưng giờ đây, chiếc quan tài nhà vua nằm lăn lóc giữa rừng hoang.

Bí mật của nhà vua

Là người dựng nên kỳ quan Angkor Wat và được mệnh danh là “đức vua bách chiến bách thắng”, nhưng những văn bia cuối cùng lưu giữ tên vị vua Suryavarman II lại liên quan đến cuộc xâm lược Đại Việt và bị đánh bại (trong khoảng thời gian 1145-1150) khi mà đế chế Khơme đã bành trướng phía bắc đến biên giới Bắc Lào ngày nay, phía nam xuống tận bán đảo Malay, phía tây đến tận vương quốc Pagan - Myanmar. Sau khi Suryavarman II băng hà, người ta không biết thi hài của nhà vua được chôn cất ở đâu, cái chết của ông cũng như những bí mật của vương triều hùng mạnh đều theo ông đi về cõi vĩnh hằng.

Theo tư liệu người Pháp để lại tại Viện Viễn Đông bác cổ, năm 1954 các nhà khoa học Pháp đã có thông tin về một khu đền lớn như một phiên bản của đền Angkor nằm trong khu rừng cách Siem Reap hơn 70 km về phía đông bắc, nhưng hoàn toàn không có đường vào. Mãi đến năm 1965, các toán thám hiểm phương Tây đầu tiên mới đặt chân đến khu rừng này. Và qua những tư liệu cổ, cũng như các bia ký còn đặt trong đền, người ta mới biết đền Boeng Mealea chính là nơi chôn cất thi hài vua Suryavarman II cũng như tất cả vàng bạc châu báu của vương triều. Nhưng do chiến tranh triền miên, khu đền Boeng Mealea lại chìm đắm giữa rừng hoang. Mãi đến năm 2003, chính phủ mới khai phá một con đường mòn dẫn vào Boeng Mealea.

Từ Siem Reap, chúng tôi xuôi theo quốc lộ số 6 đến ngã ba DamDek rồi rẽ ngược lên hướng đông bắc, con đường mòn hoang vắng phóng thẳng vào rừng sâu cô tịch, hai bên đường lực lượng CMAC - lực lượng rà phá bom mìn quốc tế - vẫn khoanh vùng rà phá bom mìn, nhiều nơi hố mìn chỉ cách vệ đường nửa mét.

Khu vực đền đã sụp đổ khá nhiều, nhưng vẫn có thể nhận ra dáng dấp hoành tráng của nó không thua gì Angkor Wat, thậm chí các khối đá xây đền nơi này còn to hơn cả đền Angkor, nặng trung bình 8 tấn so với 3-5 tấn của Angkor Wat.

Đền Boeng Mealea ngày xưa như một thành phố nhỏ với diện tích 108ha và có hào nước bao bọc quanh thành, có nơi rộng đến 45m. Đền có ba lớp tường bao bọc và được trấn giữ bởi những cánh cổng bằng đá khổng lồ, chính giữa là ngọn tháp cao đến 42m nhưng đã bị gãy đổ. Đặc biệt hơn, Boeng Mealea có đến bốn thư viện ở bốn góc thành mà chúng tôi vẫn còn nhận diện trong cảnh hoang tàn, so với hầu hết các đền đài thời kỳ Angkor chỉ có hai thư viện.

Quan tài của vua Suryavarman II - mục tiêu săn lùng cổ vật của những băng trộm mộ - nằm lăn lóc giữa đền Boeng Mealea (Ảnh: Binh Nguyên)

Vượt qua ba vòng thành đổ nát, có lúc phải chui xuống những tầng hầm âm u đến ngạt thở, có khi phải trèo qua những núi đá đổ nát trên cao đến chóng mặt, chúng tôi mới vào được trung tâm đền. Trước mặt chúng tôi là một chiếc quan tài bằng đá to lớn nằm lăn lóc mà một phần của nó đã chìm sâu trong lòng đất, Lim Sopheaktra thì thầm: “Đó là quan tài của vua Suryavarman II!”.

Theo Ủy ban Apsara, từ những năm chiến tranh, không chỉ các nhà nghiên cứu khảo cổ học mà còn những băng nhóm đào bới mộ cổ đã tìm đến đây và khai quật ngôi mộ cổ này, nhiều vàng bạc châu báu đã bị lấy đi, những mảng phù điêu tuyệt mỹ trên tường của đền cũng bị đục lấy mất và xô ngã chiếc quan tài từ trên đền xuống đất. “Nhưng họ không tìm thấy được thi hài của Suryavarman II. Nhiều giả thuyết cho rằng sau khi băng hà, để tránh bị xâm hại, hoàng tộc đã cho hỏa táng thi hài vua, sau đó nghiền ra tro và đưa vào thờ trong đền Angkor Wat, quan tài và ngôi đền này được xây nên chỉ làm nơi thờ cúng hình bóng quốc vương” - Lim nói.

Đứng trước chiếc quan tài nằm lăn lóc giữa rừng hoang, ai cũng ngậm ngùi cho một vị vua một thời lừng lẫy danh hiệu “Quốc vương bách chiến bách thắng”.

Kim tự tháp” Koh Ker

Ở một cánh rừng khác cách Boeng Mealea không xa, có quần thể đền đài Koh Ker - kinh đô cũ đế chế Khơme vào thế kỷ thứ 10, do nhà vua Jayavarman IV xây dựng từ năm 921 đến năm 944 mới hoàn tất. Đó là giai đoạn khủng hoảng quyền lực của vương triều Angkor sau khi vua Indravarman I băng hà.

Tháp trung tâm kinh đô Koh Ker được xây dựng theo kiểu kim tự tháp (Ảnh: Binh Nguyên)

Vẫn như bao đền đài khác ẩn mình trong rừng sâu hàng ngàn năm, kinh đô Koh Ker một thời giờ đây gần như hoang phế, chỉ còn lại những dãy tường thành to lớn bao bọc cung điện. Ấn tượng nhất vẫn là ngọn tháp cao vút giữa trung tâm Koh Ker tuy đã bị sụp mất phần mái nhưng vẫn uy nghi đứng giữa rừng cây. Theo những bi ký tìm thấy trong phế tích Angkor và tư liệu của nhà khảo cổ Pháp Georges Coedes: “Năm 921, quốc vương Jayavarman IV bỏ vùng Angkor về ở Koh Ker và xây nhiều cung điện to tát. 23 năm sau, vào năm 944 vua nối ngôi trở về ngự ở Angkor”.

Kinh đô Koh Ker chỉ tồn tại đúng với thời gian xây dựng nên nó: 23 năm. Ngay sau khi lên ngôi, con của Jayavarman IV là Hasavarman I đã cho dời đô trở lại Angkor do khu vực này chỉ toàn núi đá và không có hệ thống sông ngòi cung cấp nước cho kinh thành. Và ngay từ năm 944, Koh Ker đã bị quên lãng giữa rừng già. Mãi đến năm 2003, Koh Ker mới chính thức được đưa ra ánh sáng. 1.059 năm bị lãng quên! Đó là kỳ quan được xem là “yểu mệnh” nhất trong thời kỳ Angkor!

Pháo đài giữa khu đền được xây dựng hoàn toàn khác với kiến trúc Angkor, có hình kim tự tháp với những bậc đá lên đỉnh gần như dựng đứng. Tư liệu cổ ghi lại rằng do loạn lạc, vua Jayavarman IV đã cho xây ngôi tháp vừa làm nơi huấn luyện quân đội, vừa làm đền thờ. Các bức tường thành bao bọc kinh đô Koh Ker cũng rất dày và chỉ có một lối độc đạo ra vào để tránh bị tấn công.

Giữa trưa nắng oi nồng, chúng tôi quyết định chinh phục đỉnh “kim tự tháp” Koh Ker, lối lên đỉnh tháp gần như thẳng đứng, may mà Ủy ban Apsara vừa cho thiết kế chiếc thang gỗ xộc xệch mà nhiều người nói đùa rằng đó là “đường lên trời”. Ngày xưa các quan quân vua Jayavarman IV dùng “đường lên trời” để luyện tập, những ai kiên cường, dẻo dai mới có thể chinh phục được đỉnh tháp, do đó đã có không ít người bỏ mạng khi luyện tập với “đường lên trời” này. Từ trên đỉnh tháp, phóng tầm mắt có thể thấy cả những dãy núi Preah Vihear, Kulen hùng vĩ phía xa xa.

Sự kỳ vĩ của những đền đài cũng như sự xa hoa của các đấng vua chúa Angkor thật không thể nào tả nổi. Cố đô Koh Ker rộng đến 30km2, chỉ trung tâm hoàng thành có đến 54 ngọn tháp bằng đá lớn, chưa kể hàng trăm ngôi đền thờ những chiếc Linga khổng lồ còn nằm khuất sau những cánh rừng quanh đền, mà cho đến giờ Ủy ban Apsara vẫn chưa thể thống kê được. Hàng vạn nô lệ đã bỏ mạng để xây dựng nên Koh Ker, vậy mà nó chỉ tồn tại đúng 23 năm.


Trên những bia đá đã mòn nhẵn theo năm tháng có lờ mờ hình khắc về những người đang kéo đá lên những tầng tháp cao, bên cạnh có những người lính cầm roi.

Theo Tuổi trẻ
  • 3,52
  • 3.848